Cán bộ y, bác sỹ khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Na Hang thăm khám sức khoẻ bệnh nhân.
Điểm tựa nơi rẻo cao
Ở các xã vùng cao, người dân ít có điều kiện thăm khám sức khỏe định kỳ, cùng với đó là nhận thức còn hạn chế, một số hủ tục vẫn còn, đã ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây cũng là trăn trở của những thầy thuốc tuyến cơ sở.
Cũng là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên ở một xã còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, bác sỹ Đỗ Thị Tám, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Thuận (Hàm Yên) luôn trăn trở với tình hình bệnh tật và chế độ dinh dưỡng của người dân vùng cao nơi đây.
Không ngại khó khăn, nghe tin ở thôn nào có người bị bệnh không đưa đến bệnh viện mà tổ chức cúng bái là chị có mặt để khuyên giải, không chỉ một lần mà còn thực hiện nhiều lần, đến khi nào người dân hiểu và làm theo thì chị mới thôi. Cứ thế, chị lặn lội hết nhà này đến nhà nọ, vượt qua bao sông suối, đèo cao với đôi chân rướm máu chỉ mong người dân mình mỗi khi đau ốm thì tin thầy thuốc hơn là thầy cúng; hiểu được ý nghĩa của việc khám thai định kỳ, tiêm phòng cho trẻ em...
Những hy sinh gần 30 năm qua của chị đã được đền đáp bằng niềm tin của người dân, đó là khi có người thân đau ốm đều đưa đến trạm. “Điều tôi vui nhất là, người dân nơi đây bây giờ mỗi khi có dịp gặp bác sỹ là biết tranh thủ nói về sức khỏe của mình, với mong muốn được bác sỹ tư vấn điều trị, chứ không còn lẩn tránh như ngày xưa”, bác sỹ Tám chia sẻ.
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và cấp thuốc miễn phí tại xã Yên Lâm (Hàm Yên).
Với y sỹ Nguyễn Khánh Toàn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xuân Lập (Lâm Bình), thì ngay sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Y Tuyên Quang, anh trở về quê công tác. Lúc bấy giờ, anh vừa làm chuyên môn, vừa là một tuyên truyền viên về cách chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi đây. Với một xã có đến 99,9% là dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 50%, nhưng nhờ sinh sống ở địa phương mà anh hiểu được tập quán của mỗi dân tộc, nên nói vấn đề gì, làm việc gì, y sỹ Toàn cũng được người dân tin và ủng hộ.
Từ khi Trạm Y tế xã được xây dựng khang trang, trang thiết bị khám chữa bệnh được đầu tư nâng cao hơn trước, y sỹ Toàn không ngừng nỗ lực học tập và sử dụng thành thạo các thiết bị y tế này, nên người dân đến khám tại trạm cũng đông hơn trước.
Hy sinh thầm lặng
“Tôi có người thân không may bị bạo bệnh, bao đêm ròng nằm trên giường bệnh, vật vã với những cơn đau khủng khiếp. Gia đình và người thân thay nhau chăm sóc. Tiếng kêu rên của người bệnh, tiếng thổn thức của người nhà bệnh nhân xen lẫn tiếng máy đếm nhịp tim… thật trĩu nặng. Vậy mà, các y, bác sỹ gần như không ngủ, thường xuyên theo dõi người bệnh; nhiều khi phải đưa ra những quyết định táo bạo để giành lại mạng sống cho bệnh nhân” - Chị Nguyễn Thị Thanh, xã Thái Bình (Yên Sơn) là con của bệnh nhân Lã Thị Mùi đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ.
Ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là khoa cuối cùng điều trị các bệnh nhân nặng, các bệnh nhân điều trị tại khoa thường mắc các bệnh về tim mạch, phổi tắc nghẽn, tai biến mạch máu não, nhiễm trùng, tiêu hóa... Các bệnh nhân này phải được chăm sóc ở cấp 1, cấp 2 vì vậy mà người nhà hạn chế không được vào trong thăm nom, chăm sóc. Từ sinh hoạt, ăn uống, điều trị của bệnh nhân gần như do cán bộ ở khoa đảm trách, nên khá vất vả.
Điều dưỡng trưởng Ngô Thị Thanh Nhàn, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, làm việc ở khoa rất áp lực vì khoa điều trị chủ yếu những bệnh nhân nặng. Các y, bác sỹ phải thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ. Khi đến ca trực, các y, bác sỹ phải theo dõi liên tục. Có những hôm cán bộ trong khoa không ai được chợp mắt, hoặc chỉ ngủ được 1 - 2 giờ là nhiều.
Bác sỹ Khoa Ngoại - Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực ATK (Yên Sơn) thăm hỏi bệnh nhân.
Cũng nói về nghề, bác sỹ Trần Tuấn Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Na Hang, chia sẻ: “Với đặc thù riêng của ngành, chúng tôi thường xuyên tham gia trực cấp cứu, rất nhiều lần thức thâu đêm để cấp cứu bệnh nhân, ngày hôm sau vẫn tiếp tục cấp cứu bệnh nhân. Công việc cứ xoay vần như vậy quanh năm, nên có ít thời gian dành cho gia đình”.
Dẫu có khó khăn, nhưng đội ngũ thầy thuốc của trung tâm vẫn luôn tận tâm làm tròn nhiệm vụ “trị bệnh cứu người”; tích cực nghiên cứu khoa học để áp dụng trong cứu chữa người bệnh.
Bà Nguyễn Thị Tý, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) vừa được xuất viện, kể: Năm nay bà hơn 60 tuổi, do mắc bệnh tiểu đường, bà ăn uống kiêng khem không đúng cách trong nhiều ngày, dẫn đến bị tụt huyết áp sâu, hôn mê và không còn khả năng nhận biết. Bà được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa và các y, bác sỹ cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy kịch. Trong thời gian điều trị bà được các y, bác sỹ đến thăm khám, điều trị, hướng dẫn ăn, uống khoa học, đủ chất và phòng tránh các bệnh mà tuổi già thường mắc. Đến nay, sau 10 ngày điều trị, sức khỏe bà đã ổn định và được xuất viện.
Những thầy thuốc hôm nay phải gánh vác trên vai nhiều trọng trách lớn lao nhưng tình thương yêu, nhân hậu từ trái tim của người thầy thuốc đã góp phần tỏa ngát hương thơm cho đời, đem lại niềm vui và bình an cho mọi người, mọi nhà.
Gửi phản hồi
In bài viết