Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập là mốc son chói lọi của dân tộc. Hằng năm, cứ đến ngày này, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài lại hân hoan đón chào Tết Độc lập. Đó cũng là ngày mà nhân dân ta tưởng nhớ đến công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị anh hùng dân tộc, các liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Thế nhưng, cứ vào dịp Tết Độc lập, lại xuất hiện những tiếng nói lạc lõng của một số phần tử bất mãn, cơ hội chính trị đi ngược lại với tâm tư, nguyện vọng của đại đa số quần chúng nhân dân. Năm nay, nhân sự kiện cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chúng đưa ra những “bình luận” về chiến tranh, về hòa bình, về thời cuộc... rồi “chém gió” trên mạng xã hội rằng: “Giá như không có ngày 2-9, Việt Nam sẽ tránh được chiến tranh, sẽ giàu như nước Pháp, nước Nhật”...
Lời “chém gió” ấy xuất phát từ cái nhìn không đúng đắn về lịch sử dân tộc Việt Nam và thế giới nhằm phủ nhận vai trò và công lao to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, của quần chúng nhân dân, phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám mang lại, làm vẩn đục bầu không khí hân hoan của toàn dân đón Tết Độc lập.
Có lẽ những người phát biểu lạc lõng nói trên không biết hoặc cố tình không biết rằng, trước ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, đất nước ta đã trải qua 87 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Nước Việt đã không còn trên bản đồ thế giới, đã bị chia làm 3 miền, đã bị lẫn vào địa danh “xứ Đông Dương thuộc Pháp”. Người dân một cổ hai tròng, sống đời nô lệ, đói rách lầm than, oằn lưng, tối mặt với sưu cao, thuế nặng, lao dịch, phu phen...
Tỉnh Tuyên Quang của chúng ta thời đó chìm trong màn đêm của đói nghèo và lạc hậu. Nhiều người già trong tỉnh bây giờ vẫn còn không quên trận đói lịch sử năm Ất Dậu (1945). Nhiều gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình... đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên Tuyên Quang, da xanh xám như những bóng ma, nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết đói như ngả rạ...
Cách mạng Tháng Tám thành công đã trả lại tên cho nước Việt Nam, trả lại nền tự do, độc lập mà dân tộc ta có quyền được hưởng. Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến, cũng đã phải thốt lên rằng: “Làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”.
Kể từ ngày 2-9-1945 đến nay, dân tộc Việt Nam ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ vĩ đại đã lập nên biết bao kỳ tích có tính lịch sử, từ một vong quốc nô bước lên vũ đài của những dân tộc có quyền tự quyết, là tấm gương soi sáng, cổ vũ các dân tộc bị áp bức, đô hộ vùng lên giành quyền độc lập, tự do.
Năm 2020, trong dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước ta, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonnio Guterres đã gửi lời chúc mừng Việt Nam và nhấn mạnh: “Việt Nam là hình mẫu của các nước đang phát triển, các nước vươn lên từ đói nghèo, từ đổ nát chiến tranh và ngày nay đã trở thành một nước có thu nhập trung bình”.
Những người phát biểu lạc lõng nói trên hãy xem các nước từ thuộc địa của Pháp giành được độc lập không bằng con đường đấu tranh cách mạng như Việt Nam mà được Pháp “trao trả”? Trong 11 nội dung ràng buộc chính của Hiệp ước thuộc địa mà Pháp áp đặt lên châu Phi để làm điều kiện “trao trả độc lập” cho họ, có việc “hoàn trả chi phí “xây dựng thuộc địa”. Các nước châu Phi bị buộc phải gửi dự trữ tiền tệ Quốc gia của họ vào ngân hàng Trung ương Pháp. Pháp có quyền là người đầu tiên được mua bất kỳ tài nguyên thiên nhiên nào được tìm thấy trong vùng đất thuộc địa cũ của họ. Thông qua các chương trình học bổng, trợ cấp và “Hiệp định quốc phòng” phức tạp gắn liền với Hiệp ước thuộc địa, người châu Phi buộc phải gửi các sĩ quan quân đội của họ đến đào tạo tại Pháp hoặc các cơ sở đào tạo bên ngoài của Pháp...
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Pháp Macron đã phát biểu khi ghé thăm Bờ Biển Ngà ngày 21-12-2019 rằng: “Chế độ thực dân ở châu Phi trong quá khứ là “một sai lầm nghiêm trọng”, và là lỗi của nước Pháp”.
Giá trị đích thực của độc lập, tự do mà Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đem lại là thiêng liêng và cao quý. Bất cứ người Việt Nam yêu nước chân chính nào cũng đều cảm nhận được điều đó. Nếu ai đó còn có tư tưởng bóp méo, xuyên tạc, bôi nhọ những giá trị tinh thần, niềm tự hào lớn lao của dân tộc, phủ nhận ý nghĩa thiêng liêng của hòa bình, độc lập, tự do đối với nhân dân ta, hướng lái làm cho giới trẻ mơ hồ nhận thức thì cần xem xét lại bản thân mình. Nếu không xem lại được thì chắc chắn sẽ bị lịch sử phán xét và đào thải.
Đại tá ĐỖ PHÚ THỌ
(Tổng cục Chính trị
Quân đội nhân dân Việt Nam)
Gửi phản hồi
In bài viết