Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (Ảnh: TRẦN HẢI)
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Bùi Thanh Sơn; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế thông minh, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm trở thành mục tiêu, định hướng của cả thế giới này. Muốn kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì chúng ta phải đi đúng hướng của thời đại, đánh giá chuẩn xác trên cơ sở đó có phản ứng chính sách kịp thời; phải theo kịp, tiến cùng, vượt lên.
Giai đoạn tới, chúng ta phải thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (năm 2030 kỷ niệm 100 năm Thành lập Đảng, năm 2045 kỷ niệm 100 năm Thành lập nước), nếu cứ tiến “bình bình” thì sẽ mắc bẫy trung bình thấp, đồng thời 2 mục tiêu trên khó đạt được, do đó phải tạo đột phá, nhất là tăng trưởng kinh tế, từ đó sẽ kéo theo thu nhập bình quân đầu người tăng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Theo Thủ tướng, ngoài động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) cần làm tốt hơn thì phải thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, trong đó chuyển đổi số là động lực lớn mà các nước đang nỗ lực thúc đẩy, coi đây là cuộc cách mạng xác định tiến trình lịch sử và trật tự thế giới mới. Chuyển đổi số là lĩnh vực rộng, nhưng cốt lõi là trí tuệ nhân tạo (AI), mà AI phải dựa vào cơ sở dữ liệu của Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải nâng cao nhận thức về tư duy đột phá, về vai trò của các động lực tăng trưởng mới trong đó có chuyển đổi số, AI…; phải hoàn thiện thể chế, ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực đã lựa chọn là động lực tăng trưởng; rà soát về hạ tầng để chú trọng đầu tư phát triển; coi trọng phát huy nguồn nhân lực, khâu quản trị, bảo đảm cung ứng điện ổn định. Trong đó, về nguồn nhân lực, Thủ tướng yêu cầu cần mạnh dạn giao các cơ sở đào tạo đại học thực hiện việc này. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương quán triệt tinh thần này, vào cuộc tích cực, khẩn trương với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó thì mới “xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái” vì đây là thời cơ rất thuận lợi.
Chúng ta cần nắm bắt thời cơ, chuyển từ thời cơ thành hành động cụ thể để phát triển, góp phần tạo ra tăng trưởng ở mức 2 con số. Do đó, Thủ tướng cũng đề nghị cần phải tạo cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian vừa qua, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn nhờ vào nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh, khả năng phát triển cơ sở hạ tầng, các cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở và quyết tâm chính trị cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ.
Trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam hiện đang tham gia vào các công đoạn: thiết kế, kiểm thử, đóng gói vi mạch, sản xuất thiết bị và nguyên liệu liên quan đến bán dẫn nhưng chưa có nhà máy sản xuất chip. Trong đó, có hơn 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch với đội ngũ nhân lực ước tính hơn 6.000 kỹ sư, công đoạn đóng gói kiểm thử có 7 nhà máy, với khoảng 6.000 kỹ sư, chưa bao gồm hơn 10.000 kỹ thuật viên; các doanh nghiệp về sản xuất thiết bị và nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn như Samsung, Seojin, Coherent,... cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động.
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như NVIDIA, Qualcomm, LAM Research, Qorvo, AlChip... chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Ngày 5/12/2024, Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã được ký kết nhằm hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI), Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Thỏa thuận là “cú hích” quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có tác động lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn đầu tư vào Việt Nam; đồng thời thu hút, giữ chân được nhiều nhân tài công nghệ AI và bán dẫn. Sự kiện ký kết thỏa thuận với NVIDIA đã được dư luận xã hội đánh giá rất cao về sự quyết tâm, hành động quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và sự chủ động, tích cực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn: thời gian vừa qua, thực hiện định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chủ chốt, tiềm năng trong lĩnh vực bán dẫn, đưa hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ thành nội hàm then chốt của các khuôn khổ đối tác, khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác từ việc nâng cấp, nâng tầm quan hệ đầu tư, công nghệ. Cụ thể: tích cực lồng ghép nội dung hợp tác công nghệ, nhất là các lĩnh vực then chốt như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp với Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Những kết quả trên là minh chứng thể hiện sự nỗ lực và hành động quyết liệt của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo và cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong giai đoạn tới đây, chúng ta phải thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tới năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước), đòi hỏi phải có bứt phá, đột phá, nhất là về tăng trưởng kinh tế.
Theo Thủ tướng, muốn thúc đẩy tăng trưởng thì cùng với làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế thông minh, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây, phát triển kinh tế sáng tạo để tạo ra lực lượng sản xuất mới, với tinh thần "theo kịp, tiến cùng và vượt lên".
Nhấn mạnh Việt Nam có lợi thế phát triển công nghiệp bán dẫn, đồng thời, đề cập nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các chiến lược chung mà Chính phủ đã ban hành liên quan phát triển chip bán dẫn, phát triển nguồn nhân lực,…; quá trình làm phải tổng kết đánh giá, nhân rộng cách làm hay, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cấp dưới, gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh hợp tác công tư, hợp tác trong nước, quốc tế.
Nâng cao vai trò và nhận thức của lĩnh vực này, từ đó có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; hoàn thiện thể chế để thông thoáng thuận tiện, có cơ chế, chính sách ưu tiên liên quan thuế, phí, lệ phí,…; phát triển các hạ tầng số, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,… bảo đảm đồng bộ, thông suốt. Có cơ chế, chính sách cho đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao không những trong nước mà cả ngoài nước. Quản lý phải thông minh; phát triển và thúc đẩy sớm hình thành Quỹ hỗ trợ đầu tư; đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển giao công nghệ lĩnh vực này dựa trên các tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.
Nhanh chóng phát triển các trung tâm thiết kế, kiểm thử, đóng gói; tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn, tổng công ty lớn; huy động nguồn nhân lực trên nguyên tắc lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ vì Việt Nam là nước đi sau nên phải đi tắt, đón đầu, phải tăng cường hợp tác, học hỏi, chuyển giao công nghệ trên tinh thần “cùng lắng nghe, thấu hiểu”; “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”; “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển”; tăng cường truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Đề cập các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; sớm hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trên thế giới và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước; tiếp tục hợp tác với Tập đoàn NVIDIA và các tập đoàn khác. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tập trung và đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, đặc biệt là các nhóm nhiệm vụ cụ thể: phát triển chip chuyên dụng; phát triển công nghiệp điện tử,…
Bộ Ngoại giao xây dựng “Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử Việt Nam"; nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế về bán dẫn đối với một số quốc gia, nền kinh tế hàng đầu về bán dẫn; tăng cường hợp tác song phương, đa phương về bán dẫn; tiếp tục tranh thủ mạng lưới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thúc đẩy hợp tác quốc tế về công nghiệp bán dẫn, điện tử, xác định lĩnh vực ưu tiên hợp tác với từng đối tác; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài và các cơ sở đào tạo giáo dục, trường đại học ở nước ngoài, và có kế hoạch tiếp cận, phát huy, kết nối hợp tác hiệu quả với Việt Nam.
Bộ Công thương tổ chức triển khai Quy hoạch điện VIII và cập nhật bổ sung Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, dứt khoát không để thiếu điện, tích cực phát triển các nguồn điện; chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao vận động các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ sớm đưa Việt Nam ra khỏi các danh sách bị hạn chế xuất khẩu công nghệ cao D1-D3 , qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ và thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong chuyển giao công nghệ các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn; cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu chế biến đất hiếm; Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp một số bộ, ngành liên quan trong năm 2025 hoàn thành quy hoạch điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng, xây dựng cơ sở dữ liệu đất hiếm trên toàn quốc để khai thác hiệu quả; thu hồi các giấy phép đã quá hạn, những mỏ vi phạm khai thác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tư triển khai Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn bảo đảm hiệu quả, chất lượng. Khẩn trương trình ban hành Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng đến 2045” để chuẩn bị nguồn nhân lực STEM có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực bán dẫn, nhất là đội ngũ nhân lực tài năng có khả năng tham gia sâu vào công đoạn nghiên cứu và phát triển trong một số lĩnh vực công nghệ then chốt. Khẩn trương xây dựng, hướng dẫn thực hiện chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn. Các trường đại học, cơ sở đào tạo phải chuẩn bị tốt các giáo trình đào tạo lĩnh vực này.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, quản lý, sử dụng các tài sản công phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là phát triển các công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng…
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung và đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn theo chủ trương, định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030. Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, nền kinh tế có sở hữu năng lực sản xuất bán dẫn, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, vật liệu, linh kiện bán dẫn; tập trung khai thác không gian vũ trụ, không gian ngầm, không gian biển,…
Tăng cường nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển bán dẫn. Hướng dẫn, chỉ đạo xử lý nhanh việc hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về chính sách và các thủ tục hành chính liên quan hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Các địa phương nghiên cứu, lựa chọn các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi, phù hợp để đầu tư, bảo đảm đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; thúc đẩy các khu, cụm công nghiệp lân cận để tạo cụm liên kết ngành cho chuỗi công nghiệp bán dẫn.
Gửi phản hồi
In bài viết