Đồng chí Vương Kim Việt, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết, được thành lập năm 2005, đến nay, Hội đã tập hợp được trên 1.600 hội viên.
Với tinh thần “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”, Cựu TNXP trong tỉnh luôn phát huy truyền thống cách mạng, tiên phong, gương mẫu trong các phong trào hoạt động tại địa phương; tuyên truyền, vận động con cháu thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp sức vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cựu TNXP thành phố Tuyên Quang kể chuyện thời chiến cho đoàn viên, thanh niên.
Một trong những việc làm thiết thực của tổ chức Hội là phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, tham mưu với UBND tỉnh giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Cùng với đó, các hoạt động nghĩa tình đồng đội luôn được các cấp hội đặc biệt quan tâm, triển khai bằng nhiều việc làm thiết thực. Đến nay, 100% cơ sở hội xây dựng được quỹ nghĩa tình đồng đội, với tổng số tiền gần 800 triệu đồng. Hoạt động thăm hỏi, động viên hội viên gặp khó khăn, ốm đau được thực hiện thường xuyên. Nổi bật, năm 2021, toàn hội có 7 hội viên được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; 3 hội viên được tặng sổ tiết kiệm; trên 500 lượt hội viên được thăm hỏi, hỗ trợ... Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, Hội cựu TNXP tỉnh, huyện phối hợp thăm hỏi, tặng 50 suất quà cho hội viên cô đơn, ốm đau, nhiễm chất độc da cam; các tổ chức hội cơ sở đã thăm hỏi trên 160 hội viên ốm đau, mừng thọ cho 91 hội viên theo quy định.
Cuộc vận động “Cựu TNXP nêu gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được cụ thể hóa bằng phong trào thi đua: “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi vì nghĩa tình đồng đội”. Tùy theo sức khỏe của từng hội viên cũng như điều kiện gia đình, các hội viên đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mô hình sản xuất hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 83 cựu TNXP làm kinh tế giỏi, thu nhập bình quân từ 50-120 triệu đồng/năm. Điển hình như cựu TNXP Nguyễn Quang Vịnh, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Chiêm Hóa mở xưởng chế tác gỗ lũa cảnh, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; cựu TNXP Nguyễn Văn Khanh, thị trấn Na Hang (Na Hang) mô hình kinh doanh nhà nghỉ, thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/năm; cựu TNXP Nguyễn Trọng Kính, phường Phan Thiết (Tuyên Quang) kinh doanh gạo, đạt thu nhập 250 triệu đồng/năm hay mô hình chăn nuôi, xưởng cơ khí của 2 vợ chồng cựu TNXP Tô Thị Thềm và Nguyễn Văn Phương, xã An Khang (TP Tuyên Quang), bình quân thu nhập trên 200 triệu đồng/năm... Các mô hình kinh tế không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình các cựu TNXP mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.
Ở tuổi ngoài 80, cựu TNXP Nguyễn Hồng Hải, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) vẫn tích cực làm kinh tế. Ông Hải tham gia TNXP năm 1965, đóng quân tại Phú Thọ với nhiệm vụ làm đường và trồng rừng. Sau 8 năm tham gia trong lực lượng, ông trở về địa phương và phải đối mặt nhiều khó khăn. Quyết không chịu đói nghèo, ông tập trung khai đất, mở trại. Hiện ông có hơn 1 ha cây ăn quả gồm bưởi, cam, quýt; hơn 1 ha rừng. Ngoài ra, ông còn tập trung phát triển đàn bò trên 20 con, đàn lợn trên 50 con mỗi lứa, tổng doanh thu từ chăn nuôi, sau khi trừ chi phí đạt từ 150 đến 200 triệu đồng/năm. Ông Hải chia sẻ, “tình yêu lao động ngấm trong máu thịt của tôi, mình còn sức mình còn phải làm, vừa nâng cao thu nhập, vừa động viên con cháu trong gia đình”.
Dưới mái nhà chung của Hội Cựu TNXP tỉnh, lực lượng Cựu TNXP tỉnh vẫn nêu cao tinh thần “thời trẻ xung phong, về già gương mẫu”. Họ xứng đáng là biểu tượng sáng ngời, tiếp tục “truyền lửa” cho thế hệ trẻ hôm nay, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết