Trong các tháng đầu năm 2023, ngành thuế đã chỉ đạo tổ chức thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược, bảo đảm xuyên suốt, thống nhất và tuân thủ theo định hướng mục tiêu, quan điểm, nội dung giải pháp đã đề ra.
Tổng cục Thuế đã tham mưu trình Bộ thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 tại các cấp. Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính thành lập Ban chỉ đạo về triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, thành lập Ban chỉ đạo cấp Tổng cục; hướng dẫn 63 Cục Thuế thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược và tổ chức tuyên truyền nội dung Chiến lược, Chương trình hành động và Kế hoạch đến 2025.
Trong các tháng đầu năm, cả 63/63 (100%) Cục Thuế đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và triển khai thực hiện theo lộ trình, kế hoạch.
Tổng cục cũng đã xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 và kế hoạch quản lý thuế trung hạn 2023-2025, ngành thuế xây dựng đề cương Quy chế giám sát và đang dự thảo các nội dung quy định trong Quy chế.
Sau khi Quy chế được ban hành thì sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch và nội dung giám sát hằng năm, dự kiến bắt đầu triển khai các hoạt động giám sát theo Quy chế và kế hoạch kể từ năm 2024. Ngành thực hiện triển khai giám sát hoạt động của Ban chỉ đạo cấp Cục về triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2023, đồng thời đã triển khai hướng dẫn các Cục Thuế tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, trong các tháng đầu năm, công tác triển khai đàm phán, ký kết các Hiệp định thuế, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thuế với các quốc gia tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch.
Ngày 4/5/2023, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã thay mặt Chính phủ ký kết Nghị định thư thứ hai Việt Nam-Luxembourg; Trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình hiệu lực Hiệp định thuế Việt Nam-Hoa Kỳ và đề xuất của phía Hoa Kỳ về dự thảo Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định…
Ngành cũng thực hiện trao đổi thông tin đối với 51 trường hợp với Cơ quan thuế các nước và vùng lãnh thổ (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Campuchia, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Philippines, Israel, Singapore, Thái Lan, UAE, Malaysia, Ba Lan, Pháp, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Đan Mạch, Anh, Séc…), đề nghị cung cấp thông tin đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao trong hoạt động hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu trong một số ngành hàng chính như nông sản (tinh bột sắn), lâm sản… Tham gia đàm phán xây dựng dự thảo Hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ kinh tế số (MLI). Chủ tịch nước đã có Quyết định số 322/2023/QĐ-CTN ngày 13/4/2023 phê chuẩn hiệu lực của Hiệp định thuế đa phương MLI.
Về ký kết Hiệp định đa phương về Hỗ trợ hành chính thuế (MAAC), ngành thuế đã hoàn thiện các thủ tục liên quan theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Ban Thư ký Diễn đàn toàn cầu triển khai việc ký Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (Hiệp định MAAC) vào ngày 22/3/2023 tại Paris, Pháp.
Tổng cục Thuế đã tổng hợp ý kiến của Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp và hiện đang trình Bộ trình Chính phủ phê duyệt hiệu lực của Hiệp định MAAC. Riêng về giải pháp Hai trụ cột của Diễn đàn hợp tác về Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS Inclusive Framework - IF), Tổng cục Thuế cho biết: liên quan đến Giải pháp Trụ cột 1 về việc đàm phán một Hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ kinh tế số theo Tuyên bố IF của OECD, cơ quan thuế tiếp tục triển khai tham gia các cuộc họp của Diễn đàn IF, để nắm bắt tình hình xây dựng hiệp định của Diễn đàn IF và động thái của các nước.
Liên quan đến Giải pháp Trụ cột 2, cơ quan thuế đã tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn quy định mẫu về Thuế tối thiểu toàn cầu của OECD” từ 30/5-2/6/2023. Đồng thời, tổ chức các buổi họp trực tuyến giữa Tổng cục thuế và OECD để trao đổi về việc hỗ trợ kỹ thuật về phân tích tác động của Quy định GloBE tới số thu thuế của Việt Nam và các thách thức trong quá trình triển khai Quy định GloBE và việc xây dựng các cơ chế ưu đãi thuế nội địa của Việt Nam.
Với thủ tục thỏa thuận song phương (MAP), ngành đã thực hiện trao đổi triển khai MAP/DTA với Cơ quan thuế Nhật Bản; về quy định của Việt Nam về APA; trao đổi với cơ quan thuế Hàn Quốc về các hồ sơ MAP và APA đang có giữa Việt Nam và Hàn Quốc; thực hiện nghĩa vụ của thành viên Diễn đàn FTA MAP/OECD.
Nhìn chung, trong công tác hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức lớn như OECD, SGATAR…, ngành Thuế thực hiện Quy chế đối ngoại của Bộ Tài chính. Tổng cục Thuế cũng thực hiện kế hoạch đoàn ra, đoàn vào thực hiện công tác đối ngoại của Tổng cục năm 2023, xây dựng kế hoạch đoàn ra khảo sát sử dụng kinh phí ngành giai đoạn 2023-2024… Triển khai đoàn chuyên gia OECD vào Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật về hướng dẫn quy định mẫu về thuế tối thiểu toàn cầu từ 30/5-2/6/2023 (hợp tác với OECD); Tham dự Hội nghị lần thứ 3 của Nhóm công tác SGATAR tại Thái Lan từ ngày 6-8/6/2023.
Ngoài ra, triển khai các nội dung tại đề án cải cách thuế quốc tế, ngành Thuế bảo đảm khung pháp lý tổng thể về thuế quốc tế được xây dựng đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý thuế của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực hiện đánh giá, báo cáo hằng năm theo cơ chế tuân thủ tiêu chuẩn tối thiểu của Diễn đàn BEPS; phê chuẩn Hiệp định thuế đa phương (MLI); ký kết Hiệp định hỗ trợ hành chính thuế (MAAC). Các chương trình hợp tác về quản lý thuế quốc tế Hàn Quốc, Lào, OECD, WB, ADB… được triển khai thực hiện. Đồng thời, cơ chế quản lý, giám sát đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử và dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới được xây dựng, công tác trao đổi thông tin được thúc đẩy và đạt hiệu quả cao…
Trong các tháng còn lại của năm, toàn ngành Thuế tăng cường trao đổi thông tin, cập nhật tin tức, kinh nghiệm quản lý thuế của các nước, khu vực trên thế giới, trong đó có các giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, nhất là những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mới, phức tạp như: chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, thanh toán qua ngân hàng, quyền đánh thuế giữa các quốc gia, quản lý thuế đối với hộ kinh doanh... Tiếp tục bám sát quá trình Diễn đàn IF xây dựng Hiệp định đa phương, phối hợp với các nước thành viên của Diễn đàn IF để xây dựng, hoàn thiện các nội dung dự thảo của Hiệp định.
Gửi phản hồi
In bài viết