Nói như họa sĩ lão thành Lê Ngọc Hân, đây là một triển lãm mở đầu “đáng yêu” cho chặng đường sáng tác của các họa sĩ, có đủ cả các cung bậc cảm xúc, có sự rung động, sáng tạo, nhưng đều dựa trên nền tảng là văn hóa truyền thống, cụ thể ở đây là nét đặc trưng của văn hóa Bát Tràng.
Được trưng bày trên tầng 4 của Bảo tàng gốm Bát Tràng - Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt, giữa khung cảnh thiên nhiên xanh tươi và sắc nâu ấm của Bảo tàng gốm, những bức tượng trở nên nổi bật và thu hút sự chú ý của bất kỳ người xem nào. Triển lãm trưng bày gần 50 tác phẩm gốm đủ thể loại từ bình, lọ trang trí, tượng… với chất liệu chính là sa-mốt trắng và đỏ phối men truyền thống Bát Tràng của hơn 30 họa sĩ, nhà điêu khắc… với nhiều phong cách đa dạng.
Điểm đáng chú ý của triển lãm là các tác giả có tác phẩm trưng bày tại đây không phải ai cũng là họa sĩ, nhà điêu khắc chuyên nghiệp. Ngoài những nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân, Đỗ Bá Quang, Nguyễn Quốc Anh, Hoàng Thanh Như, Lưu Thanh Lan, Lê Minh Long, Nguyễn Thăng Long…, còn có các tác giả hằng ngày làm việc với gốm như họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn… thậm chí, có cả những tác giả còn “mới toe” với chất liệu gốm như Đỗ Thị Kim Đoan, Trần Thanh Vân, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hải Yến, Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Thị Hồng Huyên, Trương Thị Thúy Anh, Đào Minh Tuấn…
Họa sĩ Nguyễn Kim Xuân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gốm Nghệ thuật cho biết, hơn 30 họa sĩ của Câu lạc bộ đã tham gia workshop sáng tác tại Bát Tràng suốt một tháng qua. “Mẻ lò cuối cùng rời ngọn lửa hồng, nóng bỏng đã đưa thẳng các tác phẩm mới nhất từ lò nung đến không gian triển lãm mang hơi ấm của đất gốm sa-mốt cùng nhiệt tâm sáng tác của tập thể họa sĩ. Lửa mang lại sự bất ngờ, bí ẩn. Cũng bởi thế mà chất liệu gốm luôn thách thức sự khám phá sáng tạo không ngưng nghỉ của người nghệ sĩ” – anh nói.
“Sắc Hạ 2022” mang những chủ đề phong phú, từ gốm ứng dụng như lọ hoa từ chiếc giày hầm hố, cho tới các bức tượng từ cụ thể đến trừu tượng, có thể là chú mèo đang cong lưng bước đi, hai mẹ con chơi đùa với nhau, một gia đình hạnh phúc, cô gái đẹp với chiếc hoa tai điệu đà, mèo mẹ mèo con đùa nghịch với nhau, thiếu nữ cúi xuống gội đầu…
Chia sẻ về các tác phẩm tại triển lãm, họa sĩ Nguyễn Kim Xuân cho biết, chất đất trắng Bát Tràng phù hợp hơn với những tác phẩm ở kích cỡ nhỏ. Bát Tràng vẫn được biết đến với những sản phẩm vuốt tay, hoặc sử dụng kỹ thuật thủ công nghiệp như dùng khuôn in hay đổ rót, nhưng lần này các tác phẩm được sáng tác tại Bát Tràng phần nhiều sử dụng kỹ thuật vuốt con trạch giúp các nghệ sĩ tạo được hình dáng đa dạng. Lấy cảm hứng từ chất liệu sinh động của các làng nghề mà đặc biệt lần này là Bát Tràng, các tác giả của Câu lạc bộ Gốm Nghệ thuật đã bứt phá, tạo tác form dáng, hình hài, sắc màu..., cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đáng trân trọng.
Ông Nguyễn Nghĩa Phương, Trưởng khoa Đồ họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết, triển lãm có sự phong phú về phong cách nghệ thuật, bởi vì các tác giả tham gia cũng rất đa dạng, có người là họa sĩ chuyên nghiệp, có người sáng tác chỉ vì yêu thích gốm, cũng có những người còn rất trẻ không học nghệ thuật… Thông qua triển lãm, có thể thấy Câu lạc bộ đã lan tỏa được tình yêu gốm rộng hơn đối với xã hội và có sự kết nối với làng nghề.
Ông Nguyễn Nghĩa Phương cũng nhận xét, ở triển lãm, có những tác phẩm rất mới trong cách xử lý men, xử lý gốm, đồng thời cũng có những tác phẩm của các tác giả mới, có thể chưa hoàn hảo về mặt nghệ thuật nhưng lại rất chân thật về mặt cảm xúc và mang đến sự tươi mới cho cả người mới và người đã làm gốm lâu năm. Đây cũng là cơ hội rất tốt để các thành viên trong Câu lạc bộ và các nghệ nhân làng nghề có thể gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thêm với nhau về nghề gốm.
Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân, người làng Bát Tràng (Câu lạc bộ Gốm Nghệ thuật) cho biết, các tác phẩm tại triển lãm mang hơi thở đặc trưng của làng nghề, từ chất đất, chất men, kết hợp với đề tài đương đại, cho người xem thấy sự gần gũi và sáng tạo của các tác giả. “Điều đặc biệt là các tác phẩm mang chất liệu và phong cách nghệ thuật của Bát Tràng, nhưng do bàn tay của các nghệ sĩ từ nhiều vùng miền khác nhau tạo tác, vì vậy các tác phẩm có màu sắc nghệ mang xu hướng và đương đại.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, thành viên Câu lạc bộ chia sẻ, đây là cuộc triển lãm thứ 4 của các thành viên Câu lạc bộ sau các trại sáng tác, nhưng là lần đầu tiên được trưng bày tại một không gian đậm chất gốm truyền thống của Bát Tràng, cho nên triển lãm cũng có ý nghĩa đặc biệt đối với các họa sĩ tham gia. Chị mong muốn ở những đợt trại sáng tác tiếp theo, sẽ có thêm nhiều nghệ nhân, họa sĩ của Bát Tràng tham gia để có thêm cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Gửi phản hồi
In bài viết