Triển lãm tranh "Bài ca thống nhất": Khúc tráng ca bằng các tác phẩm hội họa

Giữa lòng Thủ đô Hà Nội, tại công viên Thống Nhất, đã diễn ra cuộc triển lãm mỹ thuật đặc biệt mang tên “Bài ca thống nhất”. Những tác phẩm hội họa đa dạng chất liệu, chủ đề, hòa chung nhịp đập của lịch sử dân tộc đã tạo nên sự xúc động, niềm tự hào về những chiến công oanh liệt trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy giới thiệu tác phẩm tới các cựu chiến binh tham quan triển lãm. (Ảnh: AN HẢI)
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy giới thiệu tác phẩm tới các cựu chiến binh tham quan triển lãm. (Ảnh: AN HẢI)

Triển lãm mỹ thuật ngoài trời “Bài ca thống nhất” diễn ra trong không khí kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và 70 năm Ngày thành lập Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955-7/5/2025).

Trung tâm triển lãm trưng bày tấm pano cao 4m dài 45m in phóng to sắc nét các tác phẩm hội họa sơn mài, sơn dầu và các ký họa chiến trường của các họa sĩ quân đội từng tham gia kháng chiến và cả tác phẩm của thế hệ họa sĩ sinh ra và trưởng thành trong hòa bình nhưng đầy tâm huyết, nặng lòng tri ân tới thế hệ cha anh.

Phía sau mỗi tác phẩm trưng bày tại triển lãm là những câu chuyện đầy xúc động, là những ký ức không thể phai mờ của các họa sĩ và những nhân vật mà họ khắc họa. Năm 1966, họa sĩ Lê Lam từ chối cơ hội tu nghiệp tại Liên Xô, quyết định vào chiến trường miền nam để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử.

Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là bức tranh vẽ chị Tư Cào, người phụ nữ anh dũng tay không ngăn chặn xe địch tại Long An năm 1967. Chị đứng hiên ngang trước xe tăng kẻ thù, trong không gian mịt mù khói bom. Bức tranh ban đầu mang tên “Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục” sau này được đổi thành “Dừng lại” - một thông điệp súc tích, mạnh mẽ về ý chí kiên cường của dân tộc.

Tại Bến Tre, nơi Lê Lam gắn bó trong suốt những năm tháng chiến tranh, họa sĩ đã ghi lại bằng hội họa những chiến công, những con người kiên trung, những hình ảnh không thể nào quên của cuộc kháng chiến. Chung tinh thần ấy, họa sĩ Phạm Ngọc Liệu cũng để lại dấu ấn sâu sắc với bao tác phẩm đầy ám ảnh về chiến tranh.

Ký họa của ông về các chiến sĩ bên công sự ở Vĩnh Linh, Quảng Trị gợi nhớ một kỷ niệm đầy bi thương. Đầu năm 1973, trong một lần ký họa tại trận địa trên bờ sông Thạch Hãn, ông ghi lại những khoảnh khắc sinh động của những người lính đang giao ban. Nhưng chỉ vài phút sau khi ông rời khỏi, loạt pháo địch giội xuống, cướp đi sinh mạng của cả tiểu đội mà ông vừa phác họa. Ông viết trong hồi ký: “Họ là những người lính trẻ đẹp trai, thông minh, vừa rời ghế nhà trường. Mới đấy thôi, mà bây giờ họ chỉ còn hiển hiện trong bức ký họa của tôi. Nhưng họ sống mãi trong lòng tôi, trong sự ghi công của Tổ quốc”.

“Tôi vẽ chiến tranh vì yêu hòa bình”, câu nói của họa sĩ Lê Huy Toàn như tuyên ngôn mạnh mẽ về sứ mệnh nghệ thuật của ông. Là một trong những họa sĩ có mặt tại hầu hết các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, từ Chiến dịch Biên giới năm 1950, Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Đại thắng mùa Xuân 1975, Lê Huy Toàn đã chứng kiến, ghi lại những khoảnh khắc không thể nào quên trong suốt cuộc hành trình dọc dài đất nước.

Với cây súng và cây bút, ông đã sở hữu một gia tài nghệ thuật vô giá với hàng nghìn bức ký họa sống động về những hình ảnh chiến đấu, những khoảnh khắc quyết liệt, nhưng cũng đầy hy sinh, gian khổ của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Trong không gian của triển lãm, các cựu chiến binh từng trực tiếp trải qua những khoảnh khắc cận kề sinh tử trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, như đang sống lại những năm tháng hào hùng. Từng ánh mắt rưng rưng, trong mỗi đường nét tranh, họ như gặp lại thời thanh xuân của chính mình và đồng đội.

Các đoàn khách quốc tế cũng chăm chú chiêm ngưỡng, bình luận. Ông David Martin, một doanh nhân người Mỹ, đứng lặng người trước bức tranh “Điện Biên Phủ trên không” của họa sĩ Nguyễn Thuận. Sau khi ngắm nghía hồi lâu, ông chia sẻ: “Tôi chưa từng hiểu hết nỗi đau và sự mất mát của đất nước các bạn, nhưng các tác phẩm đã nói lên phần nào. Những người lính Việt Nam đã chiến đấu vì cả một dân tộc. Chúng tôi cảm nhận được sức mạnh của niềm tin và khát vọng tự do qua từng nét vẽ”.

Tại triển lãm, còn có ba tác phẩm đặc biệt đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem, trở thành minh chứng sống động về sự hy sinh, khát vọng tự do và chiến thắng của dân tộc. Bức sơn dầu “Điện Biên Phủ trên không” của họa sĩ Nguyễn Thuận với đường nét mạnh mẽ, sinh động, khắc họa vẻ đẹp oai hùng của trận chiến, đồng thời gợi nhớ về sự kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong những năm tháng gian lao.

Cùng với đó, hai bức sơn mài “Giải phóng Buôn Ma Thuột” và “Xe tăng húc cổng Dinh Độc Lập” của họa sĩ Trần Hữu Chất, qua những chi tiết sắc nét, tương phản, tái hiện lại những giây phút lịch sử đầy vinh quang. Mỗi bức tranh vừa nhắc nhớ khoảnh khắc chiến thắng, vừa mang đến phút giây sâu lắng trong cảm hứng tri ân những con người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân để viết nên trang sử hào hùng của dân tộc.

Xúc động trước giá trị lịch sử của chuỗi tác phẩm mỹ thuật, các em học sinh đã xếp hình trái tim và dấu mốc 30/4 thể hiện lòng biết ơn, tự hào của thế hệ măng non - thế hệ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình độc lập. Tiếp nối cảm hứng tự hào, họa sĩ Ngô Bá Hoàng giới thiệu tới công chúng bức tranh “Chào Việt Nam quê hương tôi” với kích thước khổng lồ: cao 1,8m và 300m dài được vẽ bằng chất liệu acrylic tôn vinh vẻ đẹp đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình.

Bức tranh có nội dung trải dài từ cột cờ Lũng Cú-nơi gặp gỡ của đất trời đến tận mũi Cà Mau, từ những ngọn núi trùng điệp xuống đồng bằng mênh mông và các vùng duyên hải, khắc họa rõ nét sự thống nhất của ba miền đất nước. Mỗi nét vẽ như hòa vào vẻ đẹp bất tận của đất nước, nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, phong phú văn hóa và truyền thống lâu đời. Từng nét vẽ cũng khắc sâu tinh thần kiên cường, anh dũng của dân tộc Việt Nam.

Những câu chuyện, những hình ảnh sống động từ quá khứ thể hiện qua các tác phẩm hội họa đã khắc sâu trong tâm trí người xem, trở thành lời nhắn nhủ về tinh thần gìn giữ, phát huy những giá trị thiêng liêng của tự do, hòa bình. Triển lãm cũng trở thành nhịp cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa những thế hệ đã qua với những thế hệ tương lai để cùng khắc ghi một hành trình đầy hy sinh, anh dũng và đầy tự hào của dân tộc .

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục