Trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao

- Nông dân huyện Sơn Dương đã và đang mạnh dạn chuyển đổi những nương ngô, nương lúa thiếu nước, đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, gắn với liên kết sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân đã làm giàu, có thu nhập ổn định từ cây trồng tiềm năng này.

Những ngày này, gia đình chị Hoàng Thị Thập, thôn Hoa Lũng, xã Đại Phú đang tập trung nhân lực thu hoạch kén tằm cung ứng cho đơn vị thu mua. Chị Thập là người tiên phong trong mô hình trồng dâu, nuôi tằm ở Đại Phú. Chị Thập cho hay, trước đây kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào vào trồng lúa, ngô, hiệu quả kinh tế không cao. Để cải thiện nguồn thu nhập, gia đình chị chuyển đổi 0,7 ha đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường đã giúp gia đình chị bắt đầu có nguồn thu nhập ổn định.

Điều kiện thổ nhưỡng ở xã Văn Phú (Sơn Dương) rất thích hợp trồng cây dâu.

“Trên diện tích 0,7 ha đất trồng dâu, một năm gia đình tôi nuôi được khoảng 8-9 lứa. Với năng suất kén đạt khoảng 60 kg/lứa, sau khi trừ các chi phí cũng thu được gần 80 triệu đồng/năm, cao hơn gấp khoảng 5- 6 lần so với trồng lúa, ngô", chị Thập nói.

Trên ruộng dâu xanh mướt của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Văn Hiến, xã Văn Phú, cả gia đình đang chăm chỉ hái lá dâu. Chỉ tay về cánh đồng dâu rộng khoảng 1 ha, anh Hùng cho biết, cây dâu rất hợp với đồng đất Văn Phú, chỉ sau 6 tháng trồng dâu, gia đình đã được nuôi lứa tằm đầu tiên. Với 1 ha dâu, bình quân mỗi tháng, gia đình anh nuôi 2 lứa, mỗi lứa 7 nong giống thu được gần 70 kg kén, với giá bán 100.000/kg kén vàng và 140.000 đồng/kg kén trắng, anh thu lãi  hơn 14 triệu đồng/tháng. Hiện, gia đình anh tiếp tục trồng thêm 1 ha dâu và mở rộng quy mô nuôi tằm.

Chung niềm vui với những hộ trồng dâu, nuôi tằm ở thôn Văn Hiến, những người dân thôn Khe Thuyền 3, Đồng Mụng, xã Văn Phú cũng đã có những lứa dâu xanh, những vòng tằm vàng óng. Anh Cao Văn Bình, thôn Đồng Mụng chia sẻ, lần đầu được hướng dẫn trồng dâu, nuôi tằm, anh cũng rất bỡ ngỡ. Nhưng khi thấy cây dâu trồng xuống vài ba ngày đã bén rễ, nảy lộc rất phù hợp với đồng đất này rồi. Vui hơn nữa là sản phẩm được công ty bao tiêu thu mua nên anh không phải lo đầu ra. Nếu chỉ tính nuôi 8 lứa tằm/năm thì cũng hiệu quả gấp 2-3 lần trồng cây hoa màu khác. 

Người dân xã Văn Phú (Sơn Dương) trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao.

Chủ tịch UBND xã Văn Phú Bùi Xuân Lượng cho biết, hiện nay, xã đã có chủ trương phát triển khoảng 10 ha dâu tại những diện tích cây trồng kém hiệu quả. Cây dâu là loại cây ít sâu, bệnh, không kén đất, có khả năng chống chịu, thích nghi rất cao, thu hoạch lâu dài. Vì vậy, việc trồng dâu ở đất soi bãi, đất đồi thấp, đất lúa 1 vụ đạt được cả hai mục tiêu về kinh tế và bảo vệ đất đai, môi trường. Dù mới thực hiện mô hình nhưng với giá trị tính được bình quân 1 ha cũng đạt trên 200 triệu đồng mỗi năm nên nhân dân rất phấn khởi. 

Hiện toàn huyện Sơn Dương có trên 30 hộ dân tham gia trồng dâu với diện tích gần 15 ha. Toàn bộ diện tích dâu tằm được Công ty Cổ phần tơ lụa Phương Nam liên kết sản xuất, tiêu thụ. Tham gia liên kết bà con được công ty hỗ trợ các khâu cung cấp giống tằm, lựa chọn giống dâu, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ ứng trước con giống, nông cụ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường.

Để nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, UBND huyện Sơn Dương đã khuyến khích nông dân xã Văn Phú, Trường Sinh, Ninh Lai tiên phong phát triển mô hình trồng dâu, nuôi tằm, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn huyện. Trong đó, việc liên kết với doanh nghiệp, ổn định đầu ra cho nông dân là vấn đề then chốt. 

Chị Hoàng Thị Thập, thôn Hoa Lũng, xã Đại Phú thu hoạch kén tằm cung ứng cho đơn vị thu mua.

Ông Nguyễn Công Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, việc trồng dâu nuôi tằm không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng môi trường nuôi tằm phải luôn luôn sạch sẽ, thoáng mát, do vậy phù hợp với trình độ sản xuất của nhiều nông dân trên địa bàn huyện Sơn Dương. Với giá thu mua kén tằm trung bình 100.000-160.000 đồng/kg, doanh thu trồng dâu nuôi tằm đạt khoảng 240 triệu/ha/năm. Cùng với việc phát triển diện tích, ngành nông nghiệp tạo chuỗi liên kết, tìm doanh nghiệp để cùng đầu tư bao tiêu sản phẩm cho người trồng dâu nuôi tằm hiện nay. Trên tinh thần đó, ngành nông nghiệp hết sức quan tâm, cùng vận động doanh nghiệp và nông dân tạo mối liên kết chuỗi giá trị này ngày một phát triển hơn.

 Với hiệu quả mang lại từ mô hình trồng dâu nuôi tằm, nông dân Sơn Dương đang từng bước tái cơ cấu cây trồng ngày một hiệu quả, nhiều gia đình có thu nhập cao, vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống ấm no.

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục