Cuộc thảo luận trong chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Kinh của Thủ tướng Hungary Viktor Orban diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mátxcơva khiến một số nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 8-7. Ảnh: China Daily
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, Thủ tướng Viktor Orban đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, trong chuyến đi mà nhà lãnh đạo Hungary mô tả là chặng thứ ba của "sứ mệnh hòa bình" ông thực hiện mà không có sự hậu thuẫn của Ủy ban châu Âu hoặc Ukraine.
Sau khi Hungary đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của EU trong tháng này, Thủ tướng Viktor Orban đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Kiev và được Điện Kremlin tiếp đón hôm 5-7, một chuyến đi đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các đồng minh của ông.
"Sứ mệnh hòa bình 3.0", ông Viktor Orban, đã viết trên tài khoản mạng xã hội X khi hạ cánh xuống Bắc Kinh.
Trung Quốc và Brazil đã thúc đẩy một sáng kiến hòa bình sáu điểm vào tháng 5 và kêu gọi sự tham gia bình đẳng của cả Ukraine và Nga. Kiev đang hy vọng giành được sự ủng hộ rộng rãi trên toàn cầu cho các đề xuất về cách chấm dứt chiến tranh với Nga trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga bằng cách tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn vào tháng trước tại Thụy Sĩ mà Mátxcơva không được mời. Nhưng mục tiêu “tẩy chay” Nga của Kiev đang gặp phải sự phản kháng.
Trung Quốc đã không tham dự cuộc họp tại Thụy Sĩ và đã giành được sự ủng hộ từ Mátxcơva cho kế hoạch hòa bình của riêng mình.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Thủ tướng Orban: "Cộng đồng quốc tế nên tạo điều kiện để nối lại đối thoại, đàm phán trực tiếp giữa hai bên và cung cấp hỗ trợ. Việc tìm kiếm giải pháp chính trị thông qua lệnh ngừng bắn sớm là vì lợi ích của tất cả các bên".
Nhà lãnh đạo Hungary nhận định, Trung Quốc là "một cường quốc chủ chốt trong việc tạo ra các điều kiện cho hòa bình trong cuộc chiến Nga - Ukraine".
Nhà lãnh đạo Hungary đến Trung Quốc sau khi Ủy ban châu Âu xác nhận tuần trước rằng họ sẽ áp dụng mức thuế lên tới 37,6% đối với xe điện nhập khẩu được sản xuất tại Trung Quốc.
Quốc gia Trung Âu này đã trở thành đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Trung Quốc, trái ngược với một số quốc gia EU khác đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi Bắc Kinh đe dọa áp dụng các biện pháp chống bán phá giá trả đũa đối với thịt lợn nhập khẩu từ châu Âu, Peter Szijjarto, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary tuyên bố, hai bên đã đàm phán một thỏa thuận về việc tái xuất khẩu thịt lợn và gia cầm sang Trung Quốc.
Gửi phản hồi
In bài viết