Những người hành hương đi bộ giữa thời tiết nắng nóng trong cuộc hành hương Hajj ở Mina, Saudi Arabia, ngày 18/6/2024. (Ảnh: Reuters)
Ngày 8/7, Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu cho biết, tháng 6 vừa qua đã trở thành tháng nóng nhất được ghi nhận, tiếp tục kéo dài chuỗi nhiệt độ cao đặc biệt mà giới khoa học cho rằng sẽ khiến năm 2024 trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận.
Kể từ tháng 6/2023, đã 13 tháng liên tiếp nhiệt độ trung bình hằng tháng đều được ghi nhận là cao nhất lịch sử, phá vỡ các kỷ lục so với các tháng tương ứng của những năm trước kể từ khi các dữ liệu bắt đầu được ghi chép.
Theo C3S, trong 12 tháng qua tính đến tháng 6/2024, nhiệt độ trung bình của thế giới đạt mức cao kỷ lục so với bất kỳ giai đoạn nào trước đó, với nền nhiệt cao hơn 1,64 độ C so với mức trung bình trong thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900.
Một số nhà khoa học cho biết, dữ liệu mới nhất cho thấy năm 2024 có thể vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng nhất kể từ khi có các thống kê về nhiệt độ.
Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ biến đổi khí hậu do ảnh hưởng từ hoạt động của con người, cùng tác động từ hiện tượng thời tiết El Nino đã đẩy nhiệt độ lên mức cao kỷ lục trong năm cho đến nay.
Nhà khoa học Zeke Hausfather tại cơ quan nghiên cứu khí hậu Berkeley Earth (Mỹ) dự báo, có khoảng 95% khả năng năm 2024 sẽ vượt năm 2023 để trở thành năm nóng nhất kể từ khi các kỷ lục về nhiệt độ bề mặt toàn cầu được ghi nhận từ giữa những năm 1800.
Bà Friederike Otto, một nhà khoa học khí hậu tại Viện Grantham của Đại học Hoàng gia London cũng cho biết, có "khả năng cao" năm 2024 sẽ được xếp là năm nóng kỷ lục.
Khí hậu thay đổi đã gây ra những hậu quả trầm trọng trên toàn cầu trong năm 2024. Hơn 1.000 người đã tử vong vì nắng nóng gay gắt trong cuộc hành hương Hajj tới Thánh địa Mecca vào tháng trước, trong khi nhiều người khác cũng thiệt mạng vì lý do tương tự ở New Dehli, nơi đã phải hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài chưa từng có.
Hiện tượng El Nino đã giảm bớt tác động trong những tháng gần đây, khi thế giới hiện đang ở trạng thái cân bằng trước khi La Nina kéo theo khí hậu mát hơn dự kiến sẽ hình thành vào cuối năm nay.
Phát thải khí nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch được xem là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
Bất chấp những cam kết nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu, cho đến nay, các quốc gia vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng về việc giảm lượng khí thải nhà kính, dẫn đến xu hướng nhiệt độ vẫn tăng cao đều đặn qua nhiều thập kỷ.
Gửi phản hồi
In bài viết