Tuần hoàn, tái sử dụng để bảo vệ an ninh nguồn nước

- Chuyển đổi mô hình quản lý tài nguyên nước theo hướng tuần hoàn, tái sử dụng nước thải là một trong những giải pháp cần tập trung nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước hiện nay.

Trong 3 năm thực hiện mô hình nuôi cá, kết hợp trồng rau khí canh, Hợp tác xã Nông sản sạch Minh Khương, xã Minh Khương (Hàm Yên) đã không bỏ phí 1 giọt nước. Theo anh Mai Văn Phi, Giám đốc Hợp tác xã, hệ thống lấy nước vào 3 bể cá với dung tích 30m3/bể được thiết kế tuần hoàn: Nước được bơm lên từ suối vào các bể, tại các bể anh lắp đặt máy sục khí và máy thu gom nước thải. Anh Mai Văn Phi cho biết, trung bình mỗi ngày máy sẽ bơm bổ sung khoảng 1-1,5m3 nước vào các bể, cặn từ chất thải của cá sẽ có 1 hệ thống máy khác hút và đưa ra ngoài. Nước thải sau khi được thu gom sẽ tiếp tục đi qua lớp đất hiếm, đất sẽ giữ lại cặn, còn nguồn nước sẽ đưa lên để tưới rau. Anh Phi khẳng định, với mô hình tuần hoàn, tái sử dụng, nước không bị bỏ phí, 3 bể với tổng dung tích gần 100m3 song nước thải ra chỉ bằng 1/100.

Hệ thống bể tuần hoàn, tái sử dụng nước của Hợp tác xã Nông sản sạch Minh Khương (Hàm Yên).

Anh Nguyễn Văn Hiển, thôn Hòa Mục, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) cũng áp dụng mô hình tuần hoàn, tái sử dụng nước để nuôi lươn, trồng cây ăn quả đem lại giá trị cao. Anh Hiển cho biết, lươn sống trong môi trường bùn lầy, song để theo dõi quá trình sinh trưởng của lươn anh chuyển hướng sang nuôi trong môi trường nước. Giảm chi phí thấp nhất, hệ thống bể nuôi lươn được anh thiết kế khoa học, giảm thiểu tối đa tiêu tốn lượng nước. Riêng nước thải sẽ được lọc và tái sử dụng để tưới cây trồng.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, tuần hoàn, tái sử dụng nước đã được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và một số lĩnh vực khác. Điều đó cho thấy ý thức bảo vệ tài nguyên nước đã được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bước đầu được quan tâm, chú ý. Tuy nhiên mô hình này vẫn còn khá khiêm tốn, xuất hiện ở quy mô nhỏ. Trong khi nước sử dụng 1 lần, không qua hệ thống lọc, xả thải trực tiếp ra môi trường vẫn diễn ra khá phổ biến. Đây chính là nguyên nhân gây gia tăng tình trạng lãng phí, ô nhiễm nguồn nước.

Trước thực tế đó, để bảo đảm cấp nước bền vững và bảo vệ hệ sinh thái nước, việc xây dựng một chiến lược tổng hợp thực hiện quản lý hệ thống nước bền vững với đa mục tiêu: bảo đảm cấp nước bền vững, bảo vệ môi trường và vòng tuần hoàn nước tự nhiên đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cần thiết và cấp bách hiện nay.

Đồng chí Phùng Thế Hiệu, Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu - Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sử dụng nguồn nước tiết kiệm hiệu quả, trong đó có việc tuần hoàn, tái sử dụng nước luôn được ngành khuyến khích. Tuần hoàn, tái sử dụng nước không chỉ giảm chi phí cho người sử dụng, còn chia sẻ cơ hội cho những khu vực khó khăn về nguồn nước và bảo vệ an toàn nguồn tài nguyên nước quý giá trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một gia tăng.

Theo đồng chí Phùng Thế Hiệu, bên cạnh việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tuần hoàn, tái sử dụng nguồn nước, Quốc hội đã Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đưa ra nội dung về tuần hoàn tài nguyên nước. Cụ thể, tại Điều 58, một trong những biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là "cải tiến, hợp lý hóa quy trình sử dụng nước; áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến trong khai thác, sử dụng nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; tích trữ nước mưa để sử dụng".

Đặc biệt, Dự thảo Luật quy định: "Tại khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, tổ chức, cá nhân đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước phải có giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước thải trong giai đoạn thiết kế dự án" hay "Trong các hoạt động bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước được ưu đãi, hỗ trợ, có việc sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước thải; thu gom sử dụng nước mưa"...

Hy vọng, việc tuần hoàn, tái sử dụng nước sẽ sớm được luật hóa, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc bảo vệ tài nguyên nước - thứ tài nguyên vô giá được nâng cao hơn, an ninh, an toàn nguồn nước sẽ được đảm bảo.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục