Tuần lễ tiêm chủng 24 - 30/4: Trẻ cần được tiêm đủ các loại vắc - xin

- Được coi như “lá chắn phòng bệnh tốt nhất”, tiêm vắc-xin là biện pháp bảo vệ sức khỏe an toàn, hiệu quả, ít tốn kém mà mỗi bậc phụ huynh cần biết để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của trẻ. Trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, việc chủ động tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin không chỉ bảo vệ sức khỏe của mỗi cá nhân mà còn góp phần ngăn chặn việc lây lan các bệnh nguy hiểm, đồng thời xây dựng lá chắn miễn dịch cho cộng đồng.

Cán bộ, bác sỹ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được phân bổ.

Vắc-xin là thành tựu y học giúp đẩy lùi nhiều loại dịch bệnh đã từng là nỗi ám ảnh như bại liệt, sởi, uốn ván. Đây chính là chìa khóa then chốt để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai cung cấp 12 loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Các vắc-xin phòng bệnh được phân bổ đến 138 điểm trạm y tế xã, phường cùng 17 điểm ngoại trạm bố trí tại vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện để bà con Nhân dân dễ dàng tiếp cận với các loại vắc-xin phòng bệnh miễn phí. Cũng trong tháng 3 vừa qua, trước tình hình dịch sởi bùng phát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã rà soát, lập danh sách trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và từ 6-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vắc-xin sởi. Ngay khi nhận vắc-xin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỉnh đã triển khai và hoàn thành chiến dịch tiêm phòng sởi cho trên 12 nghìn trẻ trước ngày 31-3.

Tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, đồng thời cũng giảm nguy cơ biến chứng, tổn thương khi trẻ không may mắc bệnh. Chị Hoàng Thị Lâm, thôn Đồng Vàng, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) chia sẻ: trong suốt quá trình mang thai, chị đã được các bác sỹ nhắc nhở và tư vấn tiêm các mũi cần thiết trong thai kỳ. Đến nay con trai chị đã được gần 2 tuổi, con được tiêm đúng và đầy đủ các mũi vắc-xin theo như hướng dẫn trên sổ tiêm chủng. Trong các đợt tiêm chủng mở rộng cũng như cho trẻ uống vitamin A, cán bộ y tế thôn bản đều đến nhắc nhở gia đình có con nhỏ đưa con đến trạm y tế kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng, uống vi chất đầy đủ.

Theo bác sỹ Nguyễn Thanh Loan, Thư ký Chương trình tiêm chủng mở rộng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhìn chung các loại vắc-xin đều an toàn. Lợi ích bảo vệ sức khỏe ban đầu từ vắc-xin lớn hơn rất nhiều so với các nguy cơ có thể xảy ra khi tiêm chủng. Thông thường, một vài loại vắc-xin có thể gây ra những phản ứng phụ tạm thời như đau nhức, sưng tại chỗ tiêm, sốt nhẹ... Tuy nhiên, các phản ứng này đều có thể tự hồi phục. Trước khi trẻ được tiêm phòng tại cơ sở y tế đều phải được bác sỹ kiểm tra tình trạng sức khỏe hoặc các phản ứng phụ nếu có. Sau khi tiêm, trẻ cũng được theo dõi và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.

Trẻ được khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin tại Trạm Y tế xã Yên Lâm (Hàm Yên).

Thời gian qua, tỉnh đã tích cực triển khai và nâng cao hiệu quả Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhờ đó, tỷ lệ tiêm chủng của tỉnh luôn đạt chỉ tiêu, nhiều năm liền trên địa bàn tỉnh không xuất hiện bệnh đã được vắc-xin bảo vệ. Cùng với đó, tỷ lệ trẻ mắc bệnh truyền nhiễm giảm, khả năng chữa trị và phục hồi khi không may mắc bệnh cao. Năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 95,5%; tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt 91,6%.

Tại một số xã vùng sâu, vùng xa, công tác vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số đưa trẻ đi tiêm chủng gặp nhiều khó khăn. Bác sỹ Đỗ Thị Tâm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Thuận (Hàm Yên) cho biết: Một số thôn do phong tục tập quán lạc hậu, người dân chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc-xin cho trẻ nên nhiều gia đình chưa chủ động cho con đi tiêm phòng. Cán bộ, bác sỹ trạm y tế đã vận động, tuyên truyền người dân bằng nhiều hình thức như lồng ghép qua các buổi họp thôn, phát tờ rơi, kêu gọi người uy tín vận động... Các điểm tiêm ngoại trạm cũng được triển khai nhằm tạo điều kiện cho trẻ ở các thôn bản xa được tiêm phòng đầy đủ.

Bên cạnh việc theo dõi và cho trẻ tiêm nhắc lại đầy đủ, đúng thời gian các mũi vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các bác sỹ cũng khuyến cáo người dân nên tiêm bổ sung các loại vắc-xin dịch vụ như cúm mùa, thủy đậu, các bệnh do phế cầu khuẩn, viêm màng não... gây ra để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.             

Bài, ảnh: Nhật Quang

Tin cùng chuyên mục