Hội vật truyền thống làng Sình được khai mạc từ sáng sớm mùng 10 Tết.
Sau 3 năm tạm dừng bởi dịch Covid-19, hôm nay 17/2 (mùng 10 Tết Quý Mão), Hội vật làng Sình đầu xuân tại xã Phú Mậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra tưng bừng và sôi động, thu hút hàng nghìn người dân và du khách trong và ngoài nước tham gia cổ vũ.
“Dù ai đi đó đi đây; Ngày mười hội vật nhớ quay về Sình”!
Ðó là câu ca ở Huế nhắc nhở mọi người hãy nhớ ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hằng năm quay về làng Sình (còn lại là làng Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu (huyện Phú Vang (cũ), nay thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) để xem đấu vật.
Đây là một hoạt động văn hóa truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người dân địa phương và tồn tại hơn 500 trăm năm nay ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bậc cao niên của làng mở trống khai hội.
Tại vùng đầm phá Tam Giang tỉnh Thừa Thiên Huế, Lễ hội cầu ngư, Lễ hội làng Chuồn... được tổ chức hằng năm đã tiếp thêm sự háo hức, tươi vui đến nhiều gia đình. Hội vật năm nay thu hút gần 100 đô vật nam đến từ các xã, phường, thị trấn tại các huyện Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền và thành phố Huế tham gia.
Theo các cụ cao niên ở làng Sình, sử sách để lại rằng, vào thời Trần - Hồ, thành Hóa Châu là lỵ sở của một vùng phên dậu phương nam nước Đại Việt, được xây dựng trong khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt, án ngữ thủy lộ huyết mạch tại ngã ba Sình (điểm hợp lưu giữa sông Bồ với sông Hương), mà vùng Thanh Phước - Sình chính là cửa ngõ để huấn luyện binh sĩ, vật võ là môn thể thao được ưa chuộng. Trai làng Sình tích cực tham gia và Hội vật làng Sình dần dần trở thành một phong trào được tổ chức hằng năm để rèn luyện sức khỏe trong lao động và bảo vệ quê hương.
Dưới thời Nguyễn, nhờ có vị trí đặc biệt quan trọng trên các tuyến thủy lộ huyết mạch mà ngã ba Sình được triều đình chú trọng đầu tư xây dựng thành nơi diễn tập thủy quân.
Một pha tranh tài quyết liệt giữa các cặp đấu ở độ tuổi thanh niên.
Với phương châm lấy việc rèn luyện sức khỏe làm đầu, Nhà nước phong kiến khuyến khích quân lính tổ chức vật võ, và về sau ấn định ngày mùng 10 tháng Giêng làm ngày hội thao, tổ chức ngay tại làng Sình. Vật võ đã trở thành mạch sống của làng Sình và còn có ý nghĩa để cầu an, đó là cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu.
Ban tổ chức giải vật năm nay cho biết, Hội vật làng Sình đã tồn tại hằng trăm năm nay tại làng Lại Ân, gắn liền với truyền thống dựng và giữ nước của dân tộc. Từ thế kỷ XV, người dân làng Sình đã tổ chức hội vật vào mỗi dịp Tết để hy vọng cả năm may mắn, đủ sức khỏe cày bừa và mong mùa màng được tươi tốt. Bên cạnh đó, hội vật còn là dịp để chọn ra những đô vật giỏi cho thành phố và tỉnh nhà.
Sau phần nghi lễ được tổ chức khá tôn nghiêm tại đình làng Lại Ân, Hội vật tiếp tục được tổ chức trong không gian sới vật ngay trước đình làng Lại Ân, xã Phú Mậu, thành phố Huế. Sới vật khá tưng bừng, sôi nổi với tiếng reo hò, cổ vũ cho các cặp đô vật tranh tài ở hai độ tuổi thanh niên (dưới 15 tuổi) và thanh niên (trên 16 tuổi) diễn ra trong suốt thời gian cả ngày 10 tháng Giêng.
Nét đặc trưng của hội Vật làng Sình là khán giả cũng có thể đăng ký tham gia.
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người đã nô nức đi trẩy hội vật làng Sình. Cả 4 khán đài quanh sới vật đều chật kín người xem. Những màn đấu vật cân sức giữa các chàng trai to khỏe, lực lưỡng khiến người xem thót tim khi các đô vật liên tục tung ra những đòn, chiêu nhằm hạ gục đối thủ xuống sân cát.
Hội vật này khác hẳn với hội vật ở một số làng quê khác, bởi người dân tổ chức hội vật như một hình thức giải trí đơn thuần sau những ngày Tết chứ không vì mục đích tuyển chọn võ sĩ cho triều đình phong kiến lúc bấy giờ.
Các cặp đô vật thiếu niên tranh tài tại sới vật.
“Lệ” làng Sình cũng quy định, các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương, và bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật.
Hội vật làng Sình về cơ bản cũng áp dụng theo nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc, các đô vật muốn vượt qua vòng đấu loại phải giành chiến thắng trước ba đối thủ, để giành chiến thắng, các đô vật phải đánh bại đối thủ của mình với đòn đánh làm cho đối phương có một phần hoặc cả hai phần lưng phải lấm đất, bụng ngửa lên trời.
Trao thưởng cho các đô vật đạt thành tích.
Nếu vượt qua vòng đấu loại với đô vật, các đô vật sẽ bước vào vòng bán kết. Ở vòng bán kết, các đô vật phải vượt qua một đối thủ nữa mới lọt được vào vòng chung kết. Ngoài giải dành cho chức vô địch, làng Sình còn dành riêng một khoản tiền để thưởng cho tất cả những đô vật tham gia hội vật.
So với những năm trước, công tác tổ chức hội vật truyền thống tại làng Sình năm nay có phần chuyên nghiệp hơn. Khán đài được xây mới để khán giả có thể đứng xem thoải mái, công tác bảo vệ an ninh trật tự được bảo đảm với sự tham gia của nhiều chiến sĩ công an, cảnh sát giao thông nhằm giúp cho hội vật được diễn ra trong an toàn, thắng lợi.
Gửi phản hồi
In bài viết