Tùng Dương cháy hết mình trong liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát.
Hơn 3 tiếng đồng hồ tại sân khấu của Trung tâm Hội nghị quốc gia, Tùng Dương đã dẫn dắt khán giả đến những miền âm nhạc khác nhau của anh. Và ở mảng miếng nào, anh cũng thể hiện được tài năng, đẳng cấp của một divo trong làng nhạc.
Chặng đường 20 năm ca hát của Tùng Dương kéo dài 4 chương, gắn liền với những dấu mốc lớn trong cuộc đời người nghệ sĩ. Tùng Dương mở màn chương trình bằng bản mashup “Trời và đất - Mang thai” (Lưu Hà An-Sa Huỳnh) và sau đó khắc họa chân dung bản thân với sự kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.
Ở phần đầu của liveshow, anh kể về những cơ duyên đưa mình đến với âm nhạc, từ khi còn là cậu nhóc 12 tuổi, lần đầu được hội ngộ bố mẹ ở Nga và cũng là lần đầu lên sân khấu, khiến các kiều bào rơi nước mắt vì thể hiện ca khúc “Em ơi Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang.
Tùng Dương tri ân cố nhạc sĩ Trần Hoàn, người từng chê anh mảnh dẻ không đủ sức theo nghề hát nhưng vẫn giới thiệu anh với thầy Quang Thọ và dạy anh hát bài “Em nghĩ gì khi mùa xuân đến” (Trần Hoàn), “Đường xa tuyết trắng” (Lê Anh Dũng).
Nam ca sĩ dành chương thứ hai của liveshow để hồi tưởng về Sao Mai Điểm hẹn, cuộc thi như bệ phóng giúp cái tên Tùng Dương được nhiều người biết đến ở tuổi đôi mươi. Anh bắt đầu chinh phục các sân chơi chuyên nghiệp từ cuộc thi Giọng hát trẻ Hà Nội, Giọng hát hay Hà Nội nhưng phải đến Sao Mai Điểm hẹn 2004 mới được thừa nhận.
Thời điểm ấy, mỗi đêm thi, Tùng Dương đều nhận những cơn mưa lời khen từ hội đồng nghệ thuật. Những ca khúc được Tùng Dương hát ở cuộc thi như “Ôi quê tôi” (Lê Minh Sơn), “Mưa bay tháp cổ” (Trần Tiến), “Con cò” (Lưu Hà An), “Mẹ tôi” (Trần Tiến)… đều trở thành hit và gắn bó với anh cho đến nay.
Hát lại những ca khúc này trong liveshow, giọng của Tùng Dương vẫn nội lực, tinh quái và ma mị như thời Sao Mai Điểm hẹn nhưng không còn quằn quại mà đã tĩnh tại, trưởng thành và làm chủ cảm xúc và sân khấu ở đẳng cấp khác.
Sau 10 năm mới đứng chung sân khấu, màn kết hợp của anh và nhạc sĩ Lê Minh Sơn với ca khúc “Ôi quê tôi” được cổ vũ nhiều hơn cả ở chương này. Tùng Dương biết ơn Lê Minh Sơn vì đã làm cho mình album “Chạy trốn”, còn nhạc sĩ Lê Minh Sơn chỉ nói một câu ngắn gọn về Dương “trưởng thành và kỳ diệu”.
Tùng Dương hoàn toàn làm chủ sân khấu, anh cũng đóng vai người kể chuyện, trò chuyện với khán giả một cách thoải mái, chân tình, đôi khi hồn nhiên cười, khiến khán giả càng yêu quý sự tài, hoa, nghệ sĩ của anh.
Ở phần thứ ba, Tùng Dương khiến nhiều khán giả bất ngờ khi cover một số bản hit của các ca sĩ trẻ như: “Ai chung tình được mãi”, “Nàng thơ”, “Ngày chưa giông bão”… Anh coi đây là cuộc dạo chơi để thấy mình trẻ hơn, đồng thời thu hút nhiều khán giả hơn.
Nam ca sĩ từng có thời nghĩ rằng, mình chỉ cần nghệ thuật thôi, không cần đại chúng trước khi nhận ra thế nào là “nghệ thuật vị nhân sinh” và mỗi nghệ sĩ đều cần cân bằng cả hai. Vì thế, anh giờ không ngại thử nghiệm hát nhạc xưa hay nhạc trẻ.
Anh còn đưa vào phần này một số ca khúc ẩn chứa nhiều triết lý nhân sinh, thể hiện sự trưởng thành nhờ trải nghiệm trong cuộc sống riêng của mình như: “Nếu là nữ biết đâu anh là em” (Nguyễn Vĩnh Tiến), “Cỏ và mưa” (Giáng Son).
Phần thứ tư, mang chủ đề Giao thoa và đương đại, Tùng Dương hát một bản opera kinh điển cùng Đào Tố Loan rồi cùng rapper Hà Lê hát “Con người” mang đậm triết lý nhân sinh. Nam ca sĩ lần đầu mang lên sân khấu ca khúc “Gieo mầm” do mình tự sáng tác. Anh phô diễn nội lực với thể loại rock sở trường, đồng thời truyền tải thông điệp tích cực về cuộc sống.
Thanh Lam, Hà Trần, Uyên Linh, Hà Lê, Lê Minh Sơn - mỗi khách mời là một gạch nối với âm nhạc của Tùng Dương. Nếu như Uyên Linh mang đến chất trữ tình, sâu lắng bên cạnh Tùng Dương với “Chỉ là giấc mơ” (Kim Ngọc) thì Thanh Lam như ngọn lửa cháy dữ dội, cùng nam ca sĩ “lên đồng’ với ca khúc “Giăng tơ” (Lưu Hà An).
Hà Trần thì như “cặp bài trùng” với Tùng Dương khi cùng đề cao tính sáng tạo, ý niệm nhân sinh và sự lạc quan trong các tác phẩm. Họ cùng hát “Sắc màu” và “Bão hòa”. Trong khi đó, rapper Hà Lê giúp màu sắc hiện đại, trẻ trung ở Tùng Dương thêm nổi bật ở màn song ca “Con người” (Bùi Caroon).
Trong liveshow, Tùng Dương thể hiện đẳng cấp của mình ở nhiều khía cạnh. Trước hết, anh cho thấy tài biên tập với nội dung lớp lang truyền tải ý niệm về quá khứ, hiện tại và tương lai trong âm nhạc của mình, lồng ghép vào đó là những triết lý nhân sinh, thông điệp tích cực về cuộc đời và con người.
Anh cũng thể hiện khả năng chinh phục tất cả các dòng nhạc. Khi hát trữ tình với “Một mình” (Thanh Tùng), “Ru ta ngậm ngùi” (Trịnh Công Sơn), song ca “Chỉ là giấc mơ” (Kim Ngọc) với Uyên Linh, hát rock với “Con cò” (Lưu Hà An), “Chiếc khăn Piêu” (Phó Đức Phương), hay dân gian đương đại với “Ôi quê tôi” (Lê Minh Sơn), “Mưa bay tháp cổ” (Trần Tiến), anh đều nhận những tràng pháo tay không ngớt.
Đặc biệt, Tùng Dương còn cho thấy khả năng hát nhạc kịch đỉnh cao khi song ca bản opera kinh điển “The Phantom of the Opera” với giọng ca opera hàng đầu Đào Tố Loan. Với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau và sự góp mặt của các ca khúc thịnh hành ở thời điểm hiện tại, liveshow khắc họa Tùng Dương thực sự đa sắc.
Đó cũng là bước tiến dài của anh so với thời mới bước chân vào nghề - từ một chàng trai ôm khư khư quan điểm chỉ hát nhạc diva, bộ tứ sông Hồng hay những ca khúc thể hiện cá tính nay đã biết cân bằng giữa nghệ thuật và thị trường.
Kết thúc bằng bản mashup “Con còn - Chiếc khăn Piêu - Oa Oa”, Tùng Dương dường như muốn ám chỉ về sự tái sinh trong âm nhạc của mình sau 20 năm ca hát. Đó sẽ vẫn là Tùng Dương nhiều màu sắc nhưng đại chúng hơn.
Hơn 3 tiếng diễn ra đêm nhạc, khán giả nhiều lần ố á, cảm thán không chỉ vì tiếng hát nội lực của Tùng Dương mà còn vì sân khấu tuyệt đẹp được tạo nên bằng công nghệ 3D mapping, những màn đu dây, nhào lộn hay nghệ thuật sắp đặt khéo léo để minh họa cho từng bài hát.
Tùng Dương nói anh không vung tay, chỉ đầu tư cho những thứ thích đáng, làm khán giả không chỉ thấy đã tai mà còn mãn nhãn khi theo dõi liveshow. Nam ca sĩ còn biến sân khấu thành sàn diễn thời trang của chính mình với 7 bộ trang phục cầu kỳ, lộng lẫy.
Gửi phản hồi
In bài viết