Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Ảnh: Việt Hòa.
Cần phải có giải pháp đột phá trong giảm nghèo
Phiên họp đã tập trung thảo luận, xem xét vào Kế hoạch công tác giảm nghèo giai đoạn 2022-2025. Đây là bước cụ thể hóa Đề án giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025 toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hỗ nghèo xuống còn 10%, (từ 50.033 hộ xuống còn 22.034 hộ nghèo).
Qua các ý kiên trao đổi thảo luận của các đại biểu, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho rằng, mục tiêu kế hoạch giảm đến năm 2025 là rất lớn, đòi hỏi phải phát huy được vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, sự vào cuộc của toàn xã hội trong công tác giảm nghèo bền vững. Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo đòi hỏi cần phải có giải pháp đột phá; các địa phương xác định được mô hình hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế đột phá. Việc quan trọng hàng đầu là phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của hộ nghèo làm thay đổi tư duy, có khát vọng tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo.
Đồng chí đề nghị trong xây dựng kế hoạch phải xác định các nội dung tổ chức thực hiện căn cơ, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã; phải có giải pháp sáng tạo, phân công, gắn trách nhiệm cán bộ, công chức Nhà nước hỗ trợ các hộ thoát nghèo, nhất là người đứng đầu của mỗi đơn vị, địa phương. Muốn các hộ nghèo thoát nghèo phải có người giúp đỡ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải có trách nhiệm rà soát, thống kê những nội dung công việc trong kế hoạch để tham mưu giúp UBND tỉnh để phân công cụ thể trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện. Đồng thời xác định rõ những công việc cần phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan để mỗi công việc, nhiệm vụ đề ra phải được thực hiện một cách mạch lạc không bị chồng chéo. Việc hỗ trợ giảm nghèo đòi hỏi nguồn lực là rất lớn, vì vậy kế hoạch cần phải có sự bố trí lồng ghép các nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ làm sao việc tổ chức triển khai một cách khoa học, dễ tiếp cận.
Trong các nguyên nhân nghèo, các hộ nghèo thiếu vốn là rất lớn, chiếm đến gần 20 nghìn hộ gia đình. Do vậy, phải có thêm các phương án nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho hộ nghèo một cách căn cơ, đảm bảo tối đa số hộ nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất. Đặc biệt, trong công tác giảm nghèo cần phải tăng cường chỉ đạo từ cấp tỉnh tới cơ sở, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời giữa các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan, trọng tâm là công tác tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Đề án.
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Việt Hòa.
Xây dựng trung tâm thành phố Tuyên Quang thành đô thị thông minh
Các đại biểu đã thảo luận xem xét, cho ý kiến vào Đề án xây dựng trung tâm thành phố Tuyên Quang theo hướng đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Về nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, xây dựng đô thị thông minh là một chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội. Đô thị thông minh phải hướng tới sự thay đổi về chất cho quá trình phát triển đô thị mới, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tri thức để thay đổi cách thức quản lý đô thị, một mặt đem đến hiệu quả và môi trường sống ổn định, lành mạnh và tiện ích hơn cho người dân...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, xây dựng theo hướng đô thị thông minh cần phải có cách nhìn một cách tổng thể dựa trên cơ sở Quyết định 758 của UBND tỉnh về phê duyệt chủ trương lập Đề án xây dựng trung tâm thành phố Tuyên Quang theo hướng đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện đề án, trong quá trình hoàn thiện phải xác định một số lĩnh vực cho phù hợp, phải coi việc xây dựng thành phố thông minh là để phục vụ nhân dân; phải thể hiện sự bao quát, đồng thời xác định rõ các tiêu chí quản trị thông minh ở chỗ nào, kinh tế thông minh, giao thông thông minh ra sao; phải coi trọng việc tiếp nhận xử lý dữ liệu.
Lãnh đạo Sở Y tế phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Việt Hòa.
Xác định giá thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Tại phiên họp, UBND tỉnh đã xem xét để ban hành Quyết định quy định giá dịch vụ và hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bản tỉnh là gần 352 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị là gần 120 tấn/ngày, khu vực nông thôn là gần 232 tấn/ngày. Việc thực hiện giá hiện nay giữa các địa phương là không đồng nhất. Việc ban hành Quyết định tạo khung pháp lý đầy đủ cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; có lộ trình tăng dần giá dịch vụ và hướng tới mục tiêu chi trả đủ cho đơn vị cung ứng dịch vụ và giảm dần kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho công tác thu gom, vận chuyện, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc thu gom chủ yếu dựa vào ngân sách tỉnh (95%), mức thu định giá thấp, trách nhiệm thu không rõ ràng tạo tâm lý việc thu gom rác thải là việc của Nhà nước. Việc quy định mức giá dịch vụ và hình thức thu là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để việc quy định giá và hình thức thu cần phải được tính toán chặt chẽ đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Việc thực hiện quyết định này cần phải được tuyên truyền rộng rãi tạo sự đồng thuận, ý thức trách nhiệm của người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kết luận phiên họp. Ảnh: Việt Hòa.
Thành lập Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT Lâm Bình
Phiên họp đã xem xét việc thành lập Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT Lâm Bình. Hiện nay, trên địa bàn huyện Lâm Bình chưa có trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THPT, các em học sinh của huyện phải xuống học tập tại các Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT khác trên địa bàn tỉnh, trong khi chỉ tiêu tiếp nhận học sinh của các trường bị hạn chế về số lượng.
Thành lập Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Lâm Bình nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân các dân tộc thiểu số huyện Lâm Bình, thực hiện đào tạo liên thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số. Sau khi xem xét các ý kiến, UBND tỉnh thống nhất thành lập trường, bổ sung quy hoạch vào giai đoạn tới.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã xem xét, cho ý kiến thảo luận đối với các nội dung khác, gồm: Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa để thực hiện dự án, công trình với 12 dự án trên địa bàn tỉnh; Quyết định phân cấp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bản tỉnh Tuyên Quang và nhiều nội dung quan trọng khác.
Gửi phản hồi
In bài viết