Sản phẩm ống hút từ rau, củ, quả của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh)
đã được xuất khẩu đi nhiều nước.
Hiện, huyện Ba Vì có 47 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP, trong đó, 34 sản phẩm đạt 4 sao: Sữa và các sản phẩm từ sữa, giò đà điểu, miến, sản phẩm chay... Nhiều sản phẩm đạt 4 sao của các đơn vị được quan tâm ứng dụng công nghệ cao trong các khâu chăn nuôi, chế biến...
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì Nguyễn Thị Mai cho biết, công ty liên kết với khoảng 20 hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn. Để bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, Công ty cùng các hộ chăn nuôi xây dựng hệ thống chuồng trại bảo đảm vệ sinh, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất như sử dụng máy vắt sữa; trong khâu chế biến, Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để sản phẩm đạt chất lượng tốt. Đến nay, với 20 sản phẩm sữa các loại, trong đó, 10 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, ngoài tiêu thụ mạnh tại thị trường Hà Nội, sản phẩm OCOP của Công ty còn được tiêu thụ ở thị trường các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Ninh...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, để xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP của địa phương, thời gian qua, huyện đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể đều ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng, công suất, sản lượng...
Tương tự, tại huyện Đông Anh, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều sản phẩm OCOP của huyện đã xuất khẩu tới nhiều nước. Điển hình là sản phẩm ống hút từ rau, củ, quả của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng. Giám đốc Hợp tác xã Lê Văn Tám cho biết, với diện tích 1.500m2, hợp tác xã phát triển 6 mô hình nhà phủ màng công nghệ cao của Israel chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch theo hướng hữu cơ - nguyên liệu chính tạo ra loại ống hút thân thiện với môi trường. Một điều đặc biệt của sản phẩm này là ngoài công dụng chính dùng để uống nước thì còn có thể xào, luộc, nhúng lẩu, rán... Ống hút được làm từ 100% nguyên liệu hữu cơ, dây chuyền sản xuất được chuẩn hóa nên bảo đảm chất lượng. Mỗi ngày, hợp tác xã sản xuất khoảng 50.000 ống hút, cung cấp cho nhiều cơ quan, quán cà phê giải khát trên địa bàn Hà Nội và một số siêu thị nước ngoài: Hàn Quốc, Đức...
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện không ngừng nỗ lực tìm tòi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm OCOP chất lượng cao, đứng vững trên thị trường. Trung bình, giá trị sản phẩm OCOP sau khi đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật đều tăng 15-25%...
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí khẳng định, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao là một trong những yếu tố then chốt giúp sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường. Để nâng tầm sản phẩm OCOP, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm nông, lâm sản; đặc biệt là những sản phẩm thế mạnh...
Gửi phản hồi
In bài viết