Cần “bộ lọc” để kháng những thông tin xấu độc
Ðồng chí Vũ Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng (có hiệu lực thi hành từ tháng 1-2019), cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (có hiệu lực từ tháng 6-2021). Theo đó, người sử dụng mạng xã hội phải tuân thủ 4 quy tắc ứng xử chung: tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin; trách nhiệm.
Bạn đọc tìm kiếm thông tin, tư liệu tại phòng máy của Thư viện tỉnh.
Để trở thành những công dân số có trách nhiệm, Bộ quy tắc ứng xử cũng quy định: Tổ chức, cá nhân phải chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Tại Tuyên Quang, việc xử lý các trường hợp, cá nhân có phát ngôn chưa đúng trên mạng xã hội cũng không còn hiếm gặp. Mới đây nhất, đầu tháng 7-2022, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh đã xác minh, xử lý 4 chủ tài khoản facebook vì đã bình luận chưa đúng, không có căn cứ, định hướng dư luận theo chiều hướng tiêu cực, phần nào gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh ngay sau thông tin công bố thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh.
Chúng ta đều biết, với thuật toán thông minh của mình, mạng xã hội sẽ lựa theo những thông tin khách hàng quan tâm để đề xuất những nội dung tương tự. Nghĩa là, nếu bạn vài lần bấm vào link rác, lập tức các kênh “rác” tương tự sẽ ồ ạt hiện lên trên trang chủ của bạn. Vì vậy, nếu tiếp cận thông tin hữu ích, Facebook sẽ là cả một chân trời tri thức, nơi lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tích cực, lành mạnh, bổ ích.
Ngược lại, nó cũng là mảnh đất màu mỡ cho nguồn “rác văn hóa” tự động chạy đến qua mỗi cú click chuột thiếu kiểm soát của mỗi người. Hay việc các trang Youtube, trang Fanpage, hoàn toàn có thể kiếm tiền, tạo thu nhập nếu lượt view, lượt tương tác cao. Đó chính là lý do khiến nhiều chủ kênh bất chấp bằng mọi giá, kể cả những thứ kệch cỡm, phản cảm để tăng view. Điều đó cho thấy sự bao phủ, sức ảnh hưởng của những thông tin chưa lành mạnh là rất lớn. Đáng lo hơn, một bộ phận người trẻ còn like, share “rác mạng” vào các hội, nhóm để bạn bè cùng xem.
Nêu cao trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội
Đồng chí Phùng Thị Thu Hằng, Phó Bí thư Đoàn Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cho biết: để xây dựng được môi trường không gian mạng lành mạnh, tiến bộ, văn minh, phụ thuộc rất lớn ở hành vi của người dùng. Thời gian qua, Đoàn khối đã tuyên truyền tới các đoàn cơ sở, định hướng, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên, hình thành ý thức, ứng xử văn hóa khi tham gia mạng xã hội. Trang Fanpage của Đoàn Khối thường xuyên đăng tải những thông tin hữu ích, chính thống với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, khuyến khích người dùng sử dụng họ tên thật khi tham gia mạng xã hội, khuyến cáo đoàn viên, thanh niên chủ động quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội, nêu cao trách nhiệm xã hội trên không gian mạng, tiếp nhận thông tin và sử dụng mạng xã hội một cách thông minh...
Đánh giá cao Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, đồng chí Nguyễn Thị Thùy, Bí thư Đoàn trường Đại học Tân Trào cho biết: Đoàn trường đã chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới sinh viên Luật An ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Hàng năm, nhà trường đều mời giảng viên trao đổi với đoàn viên, thanh niên để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của sinh viên khi tham gia mạng xã hội. Từ đó sinh viên được trang bị những kỹ năng chọn lọc thông tin, sử dụng mạng xã hội để phục vụ nhu cầu học tập, giải trí lành mạnh, nâng cao kỹ năng, cải thiện văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Bên cạnh đó, Đoàn trường cũng tổ chức các đội, nhóm tăng cường nắm bắt dư luận, tình hình sử dụng mạng xã hội của sinh viên. Từ đó, có những định hướng kịp thời đúng đắn cho sinh viên trước các thông tin xấu độc...
Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội là môi trường giải trí được nhiều người ưa thích, sử dụng hàng ngày, đặc biệt là giới trẻ. Em Phạm Thị Thúy, học sinh lớp 12C6, trường THPT Xuân Vân (Yên Sơn) chia sẻ: mạng xã hội phát triển, giúp mọi người kết nối với nhau nhanh hơn, thân thiện hơn. Đặc biệt, với em, mạng xã hội là cả một chân trời kiến thức khổng lồ, giúp em có thể tìm kiếm kiến thức bổ trợ cho việc học tập cũng như những thông tin bổ ích trong cuộc sống hàng ngày.
Mạng xã hội có đầy đủ tính chất của một xã hội thu nhỏ. Để trở thành một công dân xã hội số, đòi hỏi mỗi người cần nâng cao nhận thức, làm chủ và kiểm soát tốt hành vi, hình thành những kỹ năng đề kháng với những thông tin xấu độc. Bên cạnh việc lan tỏa những năng lượng tích cực, thiết thực, ý nghĩa đến mọi người, cùng với đó là việc kiên quyết không dùng mạng xã hội vào những việc phản cảm, vô bổ, tạo rác cho xã hội... Tất cả đều nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng một không gian mạng lành mạnh, an toàn, văn minh, tiến bộ.
Gửi phản hồi
In bài viết