Thắp lửa cho người trẻ
Phun xzoi ông xú! (Con chào ông bà đi nào!).
Hello ông, hello bà ạ!
Ngày cuối năm, trong căn nhà nhỏ nơi bản Pình, xã Trung Minh (Yên Sơn), nghệ nhân dân gian Chu Tuần Ngân kể cho chúng tôi nghe đoạn đối thoại ngắn đó của một gia đình trong bản. Ông bảo, trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay những người trẻ biết nói tiếng phổ thông, đến trường được học ngôn ngữ nước ngoài nên “mất gốc” tiếng mẹ đẻ, tiếng dân tộc Dao là chuyện không hiếm. Đây là nỗi buồn mà người già như ông trăn trở lắm!
Rồi tình trạng văn hóa “lai căng” trong giới trẻ làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc giữ gìn văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh tiếng nói thì trang phục, phong tục tập quán dần bị “âu hóa” tạo nên sự “đứt gãy văn hóa” khiến nhiều nghệ nhân không khỏi lo lắng.
Vậy nên, các nghệ nhân đã có những cách làm để “thắp lửa” tình yêu văn hóa dân tộc cho người trẻ. Nghệ nhân Ưu tú Hà Văn Thuấn, xã Tân An (Chiêm Hóa) là người dày công trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Ông nổi tiếng với khả năng khai thác, biểu diễn thuần thục các làn điệu hát Then cũng như cách làm đàn Tính. Bao năm qua, bằng ngọn lửa đam mê và cái tâm của mình, ông đã đứng ra mở lớp dạy hát Then, đàn Tính miễn phí cho anh em họ tộc, bà con ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Ông bảo, hạnh phúc nhất với ông là Tết đến, xuân về tiếng Then và đàn Tính rộn ràng khắp bản. Điều đó chả tiền bạc nào mua được.
Nghệ nhân dân gian Lê Thanh Hải, thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) vẽ tranh thờ người Dao.
Nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các nghệ nhân, nhiều người trẻ từ sự yêu thích, say mê đã ngày càng hát hay, đánh đàn giỏi. Em Nông Thị Tuyết Mai, thôn Đồng Hương là hạt nhân văn nghệ của xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa). Tuyết Mai đã có 1 năm theo học hát Then, Cọi tại nhà nghệ nhân Hà Thuấn. Nhờ vậy, Mai đã hát được nhiều bài Then khó theo điệu “tàng bốc”, “tàng nặm”. Mai còn là thành viên Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính của thôn, được tham gia các hội diễn văn nghệ của xã.
Không chỉ dạy hát, đánh đàn hay thực hiện các nghi lễ truyền thống của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, các nghệ nhân còn là người dạy chữ, dạy nhân cách làm người cho người học. Điển hình như Nghệ nhân Ưu tú Tiêu Sơn Học, thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình (Yên Sơn) mở lớp dạy học chữ Cao Lan; Nghệ nhân Ưu tú Chu Tuần Ngân, xã Trung Minh (Yên Sơn) mở lớp học tiếng Dao Tiền; Nghệ nhân Ưu tú Hà Ngọc Cao mở lớp dạy chữ Nôm Tày và truyền dạy cho các học trò các nghi lễ thờ cúng; Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Bảy, dân tộc Sán Dìu, xã Ninh Lai (Sơn Dương) mở lớp dạy chữ Sán Dìu và hát Soọng cô…
Nghệ nhân Ưu tú Tiêu Sơn Học, thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình (Yên Sơn) chia sẻ, trong cuộc sống hiện nay, nhiều luồng văn hóa khác nhau đã du nhập đến các bản làng. Bọn trẻ được học tiếng phổ thông, tiếng nước ngoài mà lại quên không học, không nói tiếng dân tộc mình. Trăn trở mãi, ông tự đứng ra tổ chức lớp học ngay tại nhà. Anh Trần Văn Bảo, xã Tân Long (Yên Sơn) đã có 5 năm là học trò của ông Học tâm sự, đến nay anh đã đọc thông, viết thạo chữ Cao Lan. Biết đọc biết viết tiếng dân tộc mình là điều có ý nghĩa lớn lao với bản thân anh và gia đình.
Nghệ nhân dân gian là những người có tài năng đặc biệt, họ tự đào tạo mình để cống hiến, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bằng tình yêu văn hóa dân tộc, từ một “đốm lửa nhỏ”, các nghệ nhân luôn nỗ lực thổi bùng giá trị văn hóa dân tộc đến thế hệ sau.
Để tre già măng mọc
Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Trong đó có 2 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân và 8 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.
Các nghệ nhân luôn tâm huyết, cố gắng gìn giữ, bảo tồn văn hóa phi vật thể để trao truyền cho thế hệ mai sau hồn cốt của dân tộc. Tuy nhiên, hầu hết những người “giữ lửa” văn hóa dân tộc đã cao tuổi. Trong khi đa số họ đều là những người lao động ở các vùng nông thôn phải hàng ngày đối diện với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Nhiều nghệ nhân dù tuổi đã cao nhưng đang phải chật vật với cuộc sống mưu sinh. Họ không còn nhiều thời gian để chờ đợi các chính sách đãi ngộ.
Nghệ nhân Lương Long Vân và nhà nghiên cứu văn hóa Tống Đại Hồng trao đổi về chữ Nôm Tày.
Ông Hà Ngọc Cao, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) chia sẻ, “từ trước cũng như từ khi được phong danh hiệu nghệ nhân dân gian năm 2017 đến nay, tôi vẫn miệt mài truyền dạy văn hóa dân gian theo hình thức tự nguyện, miễn phí vì cộng đồng”. Chưa bao giờ các nghệ nhân dân gian tính toán thiệt hơn khi bỏ công sức, thời gian và tiền bạc của mình để góp phần gìn giữ, bảo tồn di sản của cha ông. Tuy nhiên, khi tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhiều nghệ nhân không còn khả năng lao động, cuộc sống sinh hoạt theo đó cũng chật vật hơn. Do đó, nhiều nghệ nhân hiện nay mong muốn được tạo điều kiện về vật chất cũng như tinh thần để cống hiến trọn vẹn hết mình quãng thời gian còn lại cho văn hóa dân tộc.
Trên thực tế nhiều nghệ nhân dân gian ở các tỉnh khác sống được bằng nghề bởi địa phương đã gắn kết được trình diễn văn hóa với du lịch. Điển hình như các tỉnh miền Tây Nam Bộ, các nghệ nhân dân gian đờn ca tài tử thường xuyên có nhiều buổi biểu diễn phục vụ du khách hay các nghệ nhân ca Huế nhận được nhiều lời mời biểu diễn trong các tour tuyến du lịch. Họ thực sự có “đất sống” thể hiện tài năng, quảng bá được văn hóa và có được kinh phí duy trì từ du lịch.
Ông Tống Đại Hồng, Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh chia sẻ, du lịch văn hóa xứ Tuyên có nhiều tiềm năng phát triển. Do đó, các cấp, các ngành, địa phương cần có cơ chế chính sách gắn kết văn hóa trình diễn nghệ nhân dân gian và du lịch để các nghệ nhân sống được bằng nghề.
Bên cạnh đó cũng cần có chính sách động viên, khuyến khích để lớp người trẻ tìm đến văn hóa dân tộc. Nghệ nhân dân gian Lê Hải Thanh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) chia sẻ, “xã hội phát triển, người trẻ có nhiều quyền lựa chọn để phát triển bản thân. Tôi mong muốn cần có sự ưu đãi để thu hút người trẻ mạnh dạn, tự tin tìm đến văn hóa dân tộc”.
Văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số được ví như mạch ngầm tuôn chảy ngàn năm. Mỗi nghệ nhân dân gian là gạch nối để kết nối các thế hệ gìn giữ văn hóa dân tộc mình. Bước sang năm mới, những nghệ nhân dân gian nói lên ước vọng của mình với mong muốn được “tiếp sức” để thỏa sức trên con đường bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của dân tộc cho thế hệ mai sau.
Gửi phản hồi
In bài viết