Văn hóa truyền thống “đánh thức” nhiều miền quê

Cuộc sống hiện đại, với sự du nhập nhiều giá trị toàn cầu của “thế giới phẳng”, luôn có hai mặt. Cùng với tiện nghi, tiện ích, sự học hỏi quốc tế cũng là khi nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã, đang và sẽ đối mặt nguy cơ bị phai mờ, mai một bản sắc. Đôi khi, nếp sinh hoạt cộng đồng dần nhường chỗ cho “văn hóa ngoại lai”.
Những người “nông dân đa tài” của Sin Suối Hồ biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ của dân tộc H'Mông. (Ảnh: nhandan.vn)
Những người “nông dân đa tài” của Sin Suối Hồ biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ của dân tộc H'Mông. (Ảnh: nhandan.vn)

Trong bối cảnh đó, các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian truyền thống được xây dựng, hoạt động tích cực, giữ vai trò như một nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, đánh thức kho tàng quý giá của tổ tiên. Không chỉ góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, những câu lạc bộ văn hóa dân gian còn trở thành “con gà đẻ trứng vàng” trong phát triển du lịch, là niềm tự hào, truyền cảm hứng cho người dân trong lao động sản xuất và hội nhập toàn cầu. Vì thế, phát triển các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ truyền thống, cũng là phương cách tốt nhất để đưa văn hóa bản địa hòa vào dòng chảy thời đại, đóng góp cho sự thịnh vượng chung hôm nay.

Từ những câu chuyện ấm lòng miền sơn cước

Nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, Sin Suối Hồ là bản làng xinh đẹp của người H’Mông, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Trong tiếng H’Mông, Sin Suối Hồ nghĩa là “suối có vàng” - cái tên mới nghe đã gợi lên hình ảnh về một bản nhỏ yên bình, trù mật.

Thế nhưng, bản làng tươi đẹp, lãng mạn ấy trước đây lại là thủ phủ, điểm nóng về ma túy. Cả bản chỉ khoảng 149 hộ dân, cùng hơn 700 nhân khẩu, mà có tới 80% số người nghiện thuốc phiện và 100% đều là hộ nghèo. “Nhiều năm liền, chúng tôi đã từng phải sống trong một bản làng đầy tệ nạn xã hội và nghèo đói. Tôi cảm thấy tương lai phía trước vô định, mịt mù, có trải qua bao nhiêu đời chắc cũng không thể phát triển được”, ông Hảng A Xà, người uy tín của bản Sin Suối Hồ nhớ lại.

Trước thực trạng đó, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương cùng các già làng, trưởng bản, “cuộc chiến” chống lại “nàng tiên nâu” đã diễn ra trong 10 năm ròng rã (từ 1995-2005), mới có thể đưa Sin Suối Hồ thoát ra khỏi “bóng tối” của ma túy.

Về với “ánh sáng”, nhiều người hoang mang không biết làm gì và bắt đầu từ đâu. “Chúng tôi khôi phục lại nghề truyền thống, để người dân có công ăn việc làm. Cùng với đó, để thay đổi bộ mặt bản làng, chính quyền và người dân chung tay làm đường, trồng hoa và thành lập chợ. Giờ đây, mỗi phiên chợ là một ngày hội giao lưu văn hóa. Các câu lạc bộ văn nghệ ra đời, nhiều phong tục tập quán, lễ hội truyền thống cũng được phục dựng. Từ đó, chúng tôi phát triển du lịch, cuộc sống của người dân đã có một bước đột phá. Hiện nay, thu nhập mỗi hộ trung bình từ 100-400 triệu đồng/năm”, ông Hảng A Xà chia sẻ. Đến nay, Sin Suối Hồ đã trở thành bản du lịch cộng đồng thu hút khách bậc nhất ở Lai Châu. Riêng năm 2024, bản đã đón và phục vụ hơn 30 nghìn lượt khách tham quan; đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng.

Câu chuyện của Sin Suối Hồ cũng là minh chứng rõ nhất cho thấy, phát triển văn hóa cơ sở sẽ là nguồn lực tiềm năng để thay đổi cuộc sống của nhiều người dân, nhiều bản làng.

Ngày 28/12/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026. Một trong những nội dung chính của phong trào là: Phát triển đa dạng các loại hình, câu lạc bộ về văn hóa, thể thao cơ sở… góp phần xây dựng cộng đồng nông thôn ổn định về chính trị, dân chủ, hòa thuận, nhân ái giàu bản sắc dân tộc, có môi trường xanh, sạch đẹp, an toàn theo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” không chỉ dừng lại ở việc phát động mà đã được nhiều địa phương cụ thể hóa bằng những mô hình thực tiễn, có tác động sâu rộng đến đời sống người dân. Tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương đang làm tốt mô hình này. Theo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An, tính đến cuối năm 2024, tỉnh có 137 câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; 104 câu lạc bộ dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy, tổng cộng có 241 câu lạc bộ văn nghệ dân gian đang hoạt động đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật trong nhân dân.

Ông Lê Thái Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết: “Để phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện, chúng tôi đã xây dựng Nghị quyết số 02 về phát huy bản sắc văn hóa con người Nghĩa Đàn, đáp ứng tình hình phát triển trong giai đoạn mới. Sau một thời gian thực hiện, địa bàn có sáu câu lạc bộ văn hóa dân gian cồng chiêng cấp huyện, 36 câu lạc bộ văn hóa dân gian cấp xã. Từ đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân”.

Từ ngày có Câu lạc bộ Cồng chiêng làng Lung, đồng bào dân tộc Thổ (xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn) đã vui hơn rất nhiều. Câu lạc bộ không chỉ giúp người dân có thêm địa chỉ để sinh hoạt văn nghệ, mà từ đó xây dựng khối đoàn kết toàn dân trong việc bảo tồn, chấn hưng các giá trị truyền thống. Ông Lê Võ Tứ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng làng Lung chia sẻ: “Câu lạc bộ của chúng tôi có 53 thành viên nòng cốt. Ngoài các hoạt động bảo tồn và gìn giữ văn hóa, chúng tôi cũng thành lập quỹ dành cho các thành viên vay để phát triển kinh tế. Như vậy, vừa khích lệ được tinh thần người dân, vừa cùng nhau xây dựng cuộc sống”.

Cần sự chung tay

Dù mang lại nhiều giá trị, nhưng thực tế, không phải câu lạc bộ nào cũng duy trì được lâu dài, vì phải đối mặt nhiều khó khăn. Phần lớn các câu lạc bộ không có nguồn tài trợ ổn định; thiếu sự tham gia của giới trẻ - lực lượng kế thừa và phát huy.

Nghệ nhân Ưu tú Vì Văn Sang - dân tộc Khơ Mú (xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) trăn trở: “Câu lạc bộ văn hóa dân gian Khơ Mú giúp đời sống nhân dân xã Nghĩa Sơn thêm nhiều màu sắc. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề kinh phí hoạt động. Các thành viên câu lạc bộ đều là nông dân, thu nhập thấp nên không thể đóng góp mãi. Việc truyền dạy càng thêm trở ngại vì không có địa điểm. Thu hút lớp trẻ tham gia đã khó mà sự không ổn định đó càng khiến chúng nản rồi bỏ ngang. Mặc dù rất yêu văn hóa Khơ Mú nhưng đôi khi, chúng tôi cũng cảm thấy bất lực”.

Để các câu lạc bộ văn hóa dân gian phát huy cao nhất hiệu quả và thật sự trở thành hạt nhân của đời sống văn hóa cơ sở, cần có sự chung tay hơn nữa của các cấp chính quyền, các hội đoàn thể và sức mạnh đoàn kết toàn dân.

Cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí để các câu lạc bộ hoạt động; cũng như chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân truyền dạy. Bên cạnh đó, nên nghiên cứu những biện pháp cụ thể để phát huy vai trò của các câu lạc bộ trong đời sống mới như: Phục vụ hoạt động du lịch. Cách làm này cần được nhân rộng để vừa bảo tồn văn hóa, vừa giúp người dân có thêm nguồn thu nhập. Đó cũng là động lực và nguồn lực để quay lại bảo tồn văn hóa. Khi tiếng cồng chiêng, lời dân ca còn vang vọng nơi bản làng, là khi đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc ngày càng phát triển.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục