Đón đọc Báo Tuyên Quang Cuối tuần phát hành ngày 11-3

- “Check in Tuyên Quang" là cụm từ đang kéo du khách về với xứ Tuyên. Tuy nhiên, cùng với những cảnh đẹp nức lòng thì cần có những sản phẩm lưu niệm ý nghĩa. Đó là nội dung được trao đổi trong ấn phẩm Tuyên Quang cuối tuần kỳ này với chủ đề Thổi hồn vào quà tặng du lịch.

Bàn luận về chủ đề này, nhà báo Thái An có bài viết: Cần sự khác biệt (trang 3). Tác giả phân tích: Điểm lại thì thấy tỉnh ta đã có những loại quà lưu niệm là những sản phẩm thủ công (đồ mây tre đan, đồ dệt...) được sản xuất bằng tay bởi người dân địa phương; thực phẩm và đồ uống đặc sản (các loại sản phẩm OCOP), quần áo và phụ kiện có in logo, bước đầu thể hiện được nét đẹp văn hóa của địa phương.

Tuy nhiên theo Thái An, cần tạo ra những sản phẩm mang tính truyền thống độc đáo và khác biệt so với các địa phương khác từ những giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương. Ví như bên cạnh việc thâm canh sản xuất, cần làm cho du khách biết nhãn Thái Bình là sản phẩm của vùng có chiến thắng Bình Ca; bưởi Phúc Ninh, Xuân Vân là sản phẩm của vùng có Trận địa lôi Km 7; Gạo Tân Trào mang những câu chuyện về dấu ấn ATK một thời hay những sản phẩm thổ cẩm vùng cao thấm đẫm các truyền thuyết về nơi sơn kỳ thủy tú…Đó chính là cách để tạo sự khác biệt, vừa tạo thu nhập cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, vừa giới thiệu và quảng bá về văn hóa, nét riêng có của địa phương với du khách.

Đây cũng là nội dung được nhà báo Phương Đông đề cập đến trong chuyên mục Chuyện cuối tuần với tiêu đề: Gắn với định vị bản sắc điểm đến (trang 2).

Theo tác giả, để tạo ra sản phẩm phù hợp làm quà lưu niệm, với giá cả hợp lý, các đơn vị tiêu thụ cũng cần phối hợp với các nhà sản xuất chuyên nghiệp nhằm bảo đảm yếu tố chính xác, mỹ thuật, bền vững và tiện lợi. Đồng thời, đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ cho các mặt hàng lưu niệm này. Đặc biệt, cần chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đồ lưu niệm... Có như vậy, sản phẩm hàng lưu niệm của tỉnh mới sớm xây dựng được hình ảnh, dấu ấn riêng và phục vụ du khách một cách rộng rãi, góp phần tạo nên thương hiệu và định vị du lịch của tỉnh trong lòng du khách.

Xoay quanh chủ đề thời sự này, ấn phẩm có nhiều bài viết sâu sắc:

- Thổi hồn vào quà tặng du lịch của Thủy Châu (trang 2+3)

- Khát vọng thổ cẩm vươn xa của Giang Lam (trang 4)

 - Độc đáo từ tranh đá cuội của Trần Liên (trang 5)

Trang văn học, nghệ thuật số này giới thiệu nhà văn Phan Ý Yên và những tác phẩm chạm đến trái tim phụ nữ qua ghi chép của Giang Lam (trang 7).

Ấn phẩm dành tặng bạn đọc yêu văn chương các bài viết nhẹ nhàng qua Tản văn Hoài niệm quê xưa (trang 10) của Minh Minh; Truyện ngắn (trang 8+9): Mùa hoa gạo của Ngô Bá Hòa; thơ (trang 9): Xuân về Hồng Thái (Bùi Hữu Thêm), Mẹ (Trần Đức Long); Tháng Ba êm đềm (Từ Dạ Linh); Về với mẹ (Lê Hồng Thiện)

 Chuyên mục Nhịp cầu nhân ái giới thiệu hoàn cảnh khó khăn bé La Hoàng Gia Khang, 11 tháng tuổi, thôn Khuổi  Tích, xã Đà Vị (Na Hang), bị viêm phổi và suy hô hấp nặng. Đến nay, bé đã nhận được hỗ trợ trên 116,9 triệu đồng.

Trang 12 phóng sự ảnh: Vị chè Shan tuyết của Quang Hòa.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Tin cùng chuyên mục