Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam: “Áo dài cần tạo nên giá trị hội nhập mới”

Với vai trò đại sứ của Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 9, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam cho rằng, áo dài cũng cần phải tạo nên giá trị hội nhập mới.

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam – Chủ tịch Câu lạc bộ Áo dài Việt Nam, Hoa hậu H’Hen Niê - Hoa Hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018 cùng diễu hành áo dài "Tôi yêu áo dài Việt Nam". (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đam mê chia sẻ tình yêu áo dài, giúp quảng bá văn hoá, du lịch và áo dài Việt, tham gia rất nhiều sự kiện quảng bá áo dài ở trong và ngoài nước, năm nay, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam lần đầu tiên tham gia Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò đại sứ.

Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh năm nay có nhiều điểm đổi mới, nổi bật, trong đó có sự hưởng ứng của 24 nhà thiết kế áo dài từ nhiều địa phương trên cả nước, với những bộ sưu tập đặc biệt thể hiện bản sắc văn hoá độc đáo và đặc sắc của Việt Nam, của Thành phố Hồ Chí Minh, và các bộ sưu tập dành riêng cho Lễ hội cũng như áo dài cho thiếu nhi… Đặc biệt, lần đầu tiên tại Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh, có các đại sứ là những nhân vật nổi tiếng ở nhiều ngành nghề khác nhau, đem đến sự đa dạng, những góc nhìn thú vị về áo dài Việt.

Những đại sứ Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh nhận được sự cổ vũ yêu thích của công chúng khi tham gia diễu hành.

Với nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, qua lăng kính của một đại sứ, anh cho rằng, áo dài cần tạo nên giá trị hội nhập mới. Bên cạnh giữ các nét truyền thống cha ông, áo dài cũng là một sản phẩm thời trang, cũng cần phát triển và có đời sống riêng. Áo dài được phát triển theo góc nào cũng được nhưng quan trọng phải được công chúng đón nhận.

Trong lễ diễu hành áo dài với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam" sáng 5/3 vừa qua với sự tham gia của khoảng 3.000 người, gồm lãnh đạo thành phố, văn nghệ sĩ và người dân đã diễu hành, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi nhận ra những thiết kế của mình trong dòng người, được những doanh nhân, chính khách, người nổi tiếng khoác lên mình.

Anh chia sẻ: “Thêm trọng trách là đại sứ áo dài nên tôi cảm thấy đây là vinh dự nhưng bên cạnh đó cũng cần cố gắng nhiều hơn. Với tôi đơn giản “không có áp lực, không có kim cương”, điều đó khiến tôi không ngừng phát triển bản thân mỗi ngày. Nếu như đơn thuần tham gia lễ hội với vai trò nhà thiết kế, tôi sẽ chỉ có trọng trách tạo nên một bộ sưu tập có ý nghĩa với lễ hội với vai trò quảng bá du lịch trong nước và quốc tế, ứng dụng cho khách hàng. Nhưng khi đảm nhận thêm trách nhiệm của một đại sứ, tôi có vai trò lan tỏa tình yêu áo dài trong cộng đồng nói chung và gần 20 nghìn học viên cả trực tiếp và online của tôi nói riêng, lan tỏa tình áo dài đến với khách hàng để họ yêu thích và ứng dụng áo dài vào đời sống hằng ngày”.

Không chỉ người lớn, những em nhỏ cũng hết sức thích thú với hoạt động diễu hành áo dài.

Đỗ Trịnh Hoài Nam cũng mong muốn, cùng với các đại sứ du lịch, các học viên của anh, những nhà thiết kế, những người làm nghề về áo dài sẽ thêm có nhiều góc nhìn mới, cách sáng tạo mới đối với áo dài. Bên cạnh giữ các nét truyền thống cha ông, áo dài cũng là một sản phẩm thời trang, cũng cần có đời sống của mình và cũng cần phát triển. Có nhiều hướng phát triển áo dài, dù sáng tạo theo cách nào, sản phẩm cũng phải được công chúng đón nhận, đó là điều quan trọng nhất. Điều đó giúp áo dài phát triển theo quy luật.

“Cái gì thuộc về giá trị truyền thống được lưu giữ, cái gì phát triển không phù hợp đời sống sẽ bị đào thải. Quan trọng nhất, những sản phẩm áo dài truyền thống Việt Nam cũng cần được cách điệu để đưa vào đời sống để phù hợp, không gian, thời gian, kiến trúc…” – nhà thiết kế chia sẻ.

Đặc biệt, trong hội nhập quốc tế, theo nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, áo dài cũng cần sử dụng hoa văn hoạ tiết, chất liệu của nước ngoài, văn hoá, hình ảnh nước ngoài… Đó cũng là một cách sáng tạo độc đáo, biến áo dài trở thành một sản phẩm thời trang hợp xu hướng và nhận được sự đón nhận của bạn bè quốc tế.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục