Phim Việt cuối năm: Thừa mà vẫn thiếu!

Nửa cuối năm 2022, theo kế hoạch sẽ có nhiều dự án phim điện ảnh trong nước được ra mắt, chủ yếu thuộc thể loại hài, hành động, kinh dị. Đây là sự trở lại đáng ghi nhận sau giai đoạn khó khăn vì đại dịch, song, khán giả vẫn chờ đợi nhiều hơn ở sự phong phú, khác biệt và bứt phá.

Hàng loạt dự án phim dự kiến sắp ra mắt đến tháng 11/2022 gồm: Vô diện sát nhân, Mười: Lời nguyền trở lại, Cô gái từ quá khứ, Thanh Sói-Cúc dại trong đêm, Đảo độc đắc-Tử mẫu Thiên linh cái... Đại diện nhiều cụm rạp cho biết, tuy các phim ra mắt nhiều nhưng không ồ ạt cùng lúc mà trải đều trong các tháng, mỗi tháng khoảng từ một đến hai phim. Đây là sự tính toán cần thiết nhằm tránh chồng chéo, đạt mục đích về doanh thu, tạo hiệu ứng tốt.

Theo thống kê từ chuyên trang phòng vé độc lập Box Office Vietnam, nửa đầu năm 2022, tuy số lượng phim Việt ra rạp khá nhiều nhưng doanh thu không lớn. Không ít bộ phim đầu tư kinh phí lớn vẫn thất bại về doanh thu.

Thí dụ, phim 578 - Phát đạn của kẻ điên (đạo diễn Lương Đình Dũng) mức đầu tư lên đến 60 tỷ đồng khi phát hành chỉ thu về hơn 3 tỷ đồng; phim Kẻ thứ ba (đạo diễn Park Hee Jun, nhà sản xuất Lý Nhã Kỳ) đầu tư khoảng 33 tỷ đồng, thu về chưa đến 1 tỷ đồng; Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác (đạo diễn Hàm Trần) đầu tư gần 30 tỷ đồng, thu về gần 6,5 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm này, Em và Trịnh là bộ phim được nhà sản xuất công bố vượt mốc doanh thu 100 tỷ đồng trong năm 2022. Tiếp đến là các phim: Bẫy ngọt ngào (gần 90 tỷ đồng), Nghề siêu dễ (72 tỷ đồng)… Trong khi đó, các phim nhập của nước ngoài hầu hết vượt mốc 200 tỷ đồng. Điều này cho thấy các phim điện ảnh trong nước ra rạp cuối năm cũng sẽ phải chịu áp lực lớn.

Ba bộ phim được kỳ vọng sẽ hấp dẫn khán giả, đạt doanh thu cao vào cuối năm 2022, gồm: Vô diện sát nhân (đạo diễn Đinh Công Hiếu), Đảo độc đắc-Tử mẫu Thiên linh cái (đạo diễn Lê Bình Giang) và Mười: Lời nguyền trở lại (đạo diễn Hằng Trịnh).

Vô diện sát nhân có sự góp mặt của diễn viên trẻ đầy triển vọng Phương Anh Đào từng tạo ấn tượng tốt qua phim Nhắm mắt thấy mùa hè, MV Lối nhỏ của Đen Vâu, phim Bằng chứng vô hình.

Ở phim mới, cô vào vai một nhân vật gặp vấn đề tâm lý, ám ảnh với thất bại của mình và vấp phải sự truy sát của một kẻ lạ mặt. Đảo độc đắc-Tử mẫu Thiên linh cái là phần tiếp theo của bộ phim kinh dị gây chú ý vào năm 2019 Thất Sơn tâm linh. Tiếp nối phần một, phim lấy cảm hứng từ những loại hình bùa ngải được tôn sùng ở một số vùng, miền gây ra những hệ lụy đáng tiếc trong đời sống con người. Bên cạnh sự trở lại của diễn viên Hoàng Yến Chibi, phim có sự góp mặt của Hoa hậu Trần Tiểu Vy trong lần đầu chạm ngõ điện ảnh.

Nhiều năm sau khi công chiếu Mười: Truyền thuyết về bức chân dung (2007) - tác phẩm hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc được coi là phim kinh dị Việt Nam ám ảnh nhất từ trước đến nay, sắp tới Mười: Lời nguyền trở lại, phần phim tiếp theo sẽ đánh dấu diễn xuất của bộ ba diễn viên chính: Anh Thư, Hồng Ánh, Bình Minh với nhiều kỳ vọng. Thanh Sói-Cúc dại trong đêm - phim mới nhất của Ngô Thanh Vân cũng được mong chờ khi trước đó phim Hai Phượng - phim điện ảnh đầu tiên đạt mốc doanh thu 200 tỷ đồng.

Xét về số lượng, phim điện ảnh trong nước không thua kém, song chất lượng phim luôn là vấn đề đáng bàn. Nhiều đạo diễn đã nỗ lực tạo “món ăn” mới lạ cho khán giả nhưng chất liệu làm nên điều này lại không đến từ kịch bản, kỹ thuật, chất lượng diễn viên... mà phụ thuộc các yếu tố câu khách. Trong khi đó, khán giả có thể chỉ bị hấp dẫn trong lần đầu tiên và yêu cầu ngày càng cao khi thưởng thức nghệ thuật.

Minh chứng là hai bộ phim Em và Trịnh và Trịnh Công Sơn với nội dung giống nhau khoảng 70% và ra rạp cùng thời điểm, được quảng bá như một “hiện tượng chưa từng có” đã nhanh chóng bị khán giả quay lưng vì có cảm giác... bị lừa. Trước phản ứng từ khán giả, ê-kíp phim đã rút phim Trịnh Công Sơn khỏi các rạp chiếu không lâu sau khi ra mắt.

Hiện nay, trung bình mỗi phim điện ảnh có số tiền đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, song rất ít phim sau khi ra rạp hòa vốn hoặc có lãi. Lý giải hiện tượng này, các nhà nghiên cứu phê bình điện ảnh cho rằng, sau đại dịch, khán giả có nhiều nhu cầu giải trí, thưởng thức văn hóa nghệ thuật và tâm lý chung là ủng hộ nhà sản xuất, nghệ sĩ trong nước.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu thị trường, tâm lý khán giả và nhất là chất lượng các bộ phim chưa đồng đều, nổi trội cho nên chưa thuyết phục được khán giả. Điểm lại, hầu hết phim ra rạp đều chỉ thuộc thể loại phim hài, hành động, kinh dị. Không ít bộ phim có tựa đề lai căng, khó hiểu với mục đích giật gân câu khách.

Điều này phần nào phản ánh sự lúng túng của các nhà làm phim trong việc tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm. Khi chưa tự tin vào năng lực họ buộc phải khai thác các yếu tố khác như mời người nổi tiếng diễn xuất, đặt tựa đề gây tò mò, tạo nên các cảnh quay gây tranh cãi. Trong khi đó, bối cảnh đời sống có rất nhiều chất liệu hay, hữu ích, tạo nên niềm rung động và đồng cảm mạnh mẽ cần được khai thác ở nhiều thể loại phim để mang đến cho khán giả sự tiếp nhận phong phú.

Bài học từ chuỗi phim được quảng bá rầm rộ mà thất bại về doanh thu nửa đầu năm 2022 là thực tế mang tính tham khảo để các nhà làm phim có những cân nhắc, điều chỉnh phù hợp. Chưa kể, nửa cuối năm 2022 còn có sự cạnh tranh khốc liệt từ phim nhập ngoại. Nhiều bộ phim bom tấn nước ngoài đã sẵn sàng ra rạp như: Liên minh siêu thú DC, Black Adam, Aquaman và vương quốc đã mất, Annabelle: Ác quỷ trở về, Black Panther: Wakanda bất diệt, The Flash, Sát thủ đối đầu, Avatar: Dòng chảy của nước... Đó là thách thức, đồng thời cũng là động lực cho các nhà làm phim Việt.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục