Ứng xử văn minh nơi công cộng

- Văn hóa là nét đẹp, là tấm thẻ “căn cước” của mỗi người thể hiện trong ứng xử xã hội. Việc xây dựng ý thức, lối ứng xử văn hóa là cả hành trình dài, đòi hỏi tầm nhìn, sự tâm huyết và nhiều nỗ lực của gia đình, nhà trường và xã hội.

Việc thả chó chạy rông ở phố đi bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho nhân dân và du khách.

Thạc sĩ Hà Thị Nguyệt, khoa Tâm lý - Giáo dục và Công tác xã hội, Trường Đại học Tân Trào cho biết: ứng xử văn minh nơi công cộng là một trong những nội dung được tích hợp, lồng ghép trong các bài giảng, các giờ sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động trải nghiệm của sinh viên… giúp người trẻ ý thức được các hành vi được làm, không được làm nơi công cộng.

Cùng với việc chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật cho sinh viên, thì việc giáo dục kỹ năng ứng xử, trách nhiệm công dân cho người trẻ luôn là một trong những nội dung ưu tiên trong sự phối hợp tuyên truyền giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh việc giáo dục sinh viên ý thức tuân thủ các quy định chung, giáo viên cũng luôn kịp thời chỉ ra những tình huống thực tế, những hành động xấu xí, phản cảm, thiếu văn hóa nơi công cộng… Từ đó, giúp các em hình thành nên những thói quen tốt, đồng thời biết tự điều chỉnh hành vi, cách ứng xử ở những môi trường, hoàn cảnh khác nhau một cách phù hợp.

Em Nguyễn Thị Linh Chi, học sinh lớp 11 B10, Trường THPT Sơn Dương chia sẻ: Em nghĩ ứng xử văn minh nơi công cộng, quan trọng nhất là biết tôn trọng những người xung quanh. Tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính bản thân mình, thể hiện cụ thể ở các hành vi: không làm ồn ảnh hưởng đến người xung quanh, không ăn mặc kệch cỡm, phản cảm ở những nơi cần trang nghiêm, lịch sự. Tắt quạt, tắt điện khi ra khỏi lớp để tiết kiệm năng lượng; giữ vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi ra môi trường; không làm hư hại cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ… mỗi người có ý thức một chút sẽ góp phần tạo ra môi trường sống văn minh, dễ chịu cho mọi người.

Người dân tùy tiện thả chó chạy rông trên phố, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người đi bộ và người tham gia giao thông

Có lẽ chưa bao giờ, các cụm từ: văn hóa khi đi thang máy, văn hóa xếp hàng, văn hóa xe buýt; văn hóa trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường; văn hóa trang phục nơi công cộng; văn hóa phát ngôn; văn hóa mua sắm; văn hóa karaoke; văn hóa của người trẻ khi thể hiện tình cảm nơi công cộng… lại được nhắc đến nhiều với tần suất dày đặc, cấp thiết như hiện nay. Theo chị Kim Thị Thúy, tổ 8 phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) để nâng cao văn hóa ứng xử nơi công cộng cho người trẻ là cả chặng đường dài.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người lớn trong mỗi gia đình cần cư xử với nhau có văn hóa, phải làm gương cho con cái một cách thường xuyên, kiên trì, bền bỉ từ mỗi việc làm nhỏ nhất. Trẻ em, nếu không được giáo dục tỉ mỉ từ gia đình về những quy tắc ứng xử lễ độ, lịch sự, tôn trọng không gian chung… thì thật khó để sau này trẻ có thể trở thành một công dân tốt. Cùng với đó, vai trò của người mẹ cần luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, người mẹ sẽ cần dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những biến động trong tâm, sinh lý của các con để có những cách giáo dục, uốn nắn phù hợp.

Ngày nay, người trẻ được đi nhiều, tiếp xúc, cọ xát nơi công cộng ở nhiều môi trường khác nhau, đặc biệt là tại các đô thị, các khu công nghiệp, các thành phố lớn, từ đó văn hóa ứng xử đã được nâng lên nhiều. Anh Trần Đại Việt, phụ xe buýt tuyến Hàm Yên - Tuyên Quang thuộc Công ty cổ phần thương mại và du lịch Hà Lan, chi nhánh Tuyên Quang cho biết: Thanh niên bây giờ đã hình thành một phản xạ đẹp, có ý thức mà không cần nhắc nhở nhiều đó là trên xe thấy người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, người ốm yếu, tàn tật… thì người trẻ luôn chủ động đứng dậy nhường ghế, biết ưu tiên những người yếu hơn mình; biết xếp hàng trật tự, không lớn tiếng nói chuyện điện thoại nơi đông người, không mang đồ ăn gây mùi khó chịu lên xe, không xả rác xuống phố khi xe đang chạy… Những hành động đó cho thấy những ứng xử văn hóa nơi công cộng đang ngày càng được định hình và nâng cao, là một điểm sáng, một tín hiệu vui trong việc nâng cao chất lượng văn minh đô thị.

Văn hóa được xây dựng từ ý thức tự giác của mỗi cá nhân, nâng cao văn hóa ứng xử, không chỉ thể hiện vốn sống, sự hiểu biết tinh tế, lịch sự của mỗi người mà còn góp phần thiết thực tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, một không gian sống tiến bộ, giàu năng lượng để mỗi người sống và làm việc tốt hơn.

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục