Tạo động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển

- Mặc dù mới manh nha, nhưng công nghiệp văn hóa ở Tuyên Quang, dựa trên những lợi thế sẵn có từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đang có cơ hội lan tỏa, quảng bá văn hóa truyền thống đi khắp thế giới.

Tuyên Quang xác định du lịch là một trong 3 lĩnh vực đột phá, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Du lịch muốn đi xa phải đứng vững được trên chân kiềng văn hóa. Trong thời đại công nghiệp, chuyển đổi số, sản phẩm văn hóa cần được sản xuất, tiếp thị, phân phối chuyên nghiệp.

Chiếc đàn Tính là sản phẩm văn hóa đặc trưng của người Tày xứ Tuyên. Và giờ đây khách du lịch lên Tuyên Quang đều mong muốn có một cây đàn về làm quà lưu niệm. Nhận thức được nhu cầu đó, ông Nguyễn Văn Com, dân tộc Tày, tổ nhân dân Vĩnh Thịnh, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) mở xưởng sản xuất đàn Tính. Qua phản ánh của du khách nếu bầu đàn làm bằng quả bầu khô truyền thống thì khi di chuyển hay trẻ con chơi đùa hay bị vỡ.

Ông Nguyễn Văn Com, thị trấn Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa sản xuất đàn Tính làm quà lưu niệm.

Ông Com đã mày mò, sáng chế ra bầu đàn làm bằng tre, độ bền cao, song vẫn cho âm thanh tốt. Hiện nay đàn của ông đã xuất đi nhiều nơi, được khách hàng đánh giá cao. Theo ông Com, bán đàn Tính là bán sản phẩm văn hóa, vì thế đàn phải có độ tinh sảo, mỹ thuật. Với công thức làm đàn có trong tay, ông Com đã cho sản xuất công nghiệp hàng loạt. Như vậy vừa giảm được giá thành, chất lượng sản phẩm đồng đều, chủ động được nguồn cung.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Trường - hội viên, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho biết, tạo động lực cho công nghiệp văn hóa của tỉnh nhà phát triển, tỉnh đã tổ chức Cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch Tuyên Quang năm 2022. Anh đã giành được giải nhất với tác phẩm “Pha lê nguyên khối Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”. Hiện nay sản phẩm lưu niệm này được anh sản xuất hàng loạt, cung cấp đồ lưu niệm cho tỉnh. Hình ảnh tượng đài Bác Hồ của Tuyên Quang vì thế có cơ hội bay xa, quảng bá cho nét văn hóa, kiến trúc của tỉnh. Nhất là Quảng trường Nguyễn Tất Thành vừa được vinh danh Giải thưởng phong cảnh thành phố Châu Á.

Ở Tuyên Quang hiện nay có lẽ mảng ẩm thực của các dân tộc mang lại dấu ấn đậm nét nhất. Tỉnh đã tạo điều kiện xây dựng quy trình các sản phẩm OCOP nổi trội của địa phương. Đến nay có khoảng 200 sản phẩm OCOP đã được công nhận 3 và 4 sao. Sản phẩm đạt 3 sao thì chủ thể được hỗ trợ 10 triệu đồng/sản phẩm; 4 sao thì 20 triệu đồng/sản phẩm. Phấn đấu mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng 1 sản phẩm OCOP tiêu biểu. Nhờ xây dựng kế hoạch chi tiết, bài bản, từ khâu chọn sản phẩm làm OCOP đến hỗ trợ, đánh giá, thẩm định, chương trình OCOP của tỉnh đã và đang được đánh giá là đi đúng hướng.

Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) khẳng định, cơ sở đi theo hướng OCOP của tỉnh đang gặt hái được nhiều thành công. Ngoài bán sản phẩm chè, thì HTX Sơn Trà mang nét văn hóa ẩm thực chè vùng cao giới thiệu, quảng bá cho nhân dân, du khách thập phương. Vì vậy, ông Phố tin tưởng với khoảng 200 sản phẩm OCOP của tỉnh thì việc quảng bá ẩm thực của Tuyên Quang càng mạnh mẽ hơn nữa.

Bên cạnh tạo động lực về chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp sân chơi cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển, thì yếu tố bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền có vai trò quan trọng. Các sản phẩm trong tỉnh được khuyến khích xây dựng nhãn hàng hóa, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chung như cam sành Hàm Yên, bưởi Soi Hà, chè Làng Bát...

Ông Hà Thế Đô - hội viên, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho rằng, ở rất nhiều mảng văn hóa dễ bị vi phạm bản quyền như nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc. Nếu không bảo vệ được những người sáng tạo chân chính, thì môi trường cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa còn nhiều khó khăn. Nên nhất quyết hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền phải được dẹp bỏ, tạo động lực cho hàng chính thống lan tỏa.

Trên nền tảng của văn hóa bản địa độc đáo, hấp dẫn, để công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế tiềm năng và phát triển nhanh chóng trong thời đại công nghệ số, theo các chuyên gia cần có động lực thúc đẩy sự phát triển của nó. Từ việc nghiên cứu, phát triển, sáng tạo, đổi mới, đến quảng bá, tiếp thị, hợp tác và phát triển. Có như vậy, từ công nghiệp văn hóa mới có thể hình thành những sản phẩm văn hóa đa dạng và phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục