Thành công của Đại hội Đảng XIII mở ra cơ hội mới cho phát triển đất nước.
Mục tiêu, định hướng rõ ràng
Tết Nguyên đán Tân Sửu cận kề, trên mọi ngả đường, từ trung tâm thành phố đến nhiều đường làng, ngõ xóm đang ngập tràn sắc đỏ búa liềm, sao vàng năm cánh phấp phới hân hoan chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIII thành công tốt đẹp. Và niềm vui ấy càng được nhân đôi khi nhân dân cả nước phấn khởi bước vào Xuân Tân Sửu 2021 với niềm tin ngày càng vững chắc về một giai đoạn phát triển mới, với tư duy mới, tầm nhìn mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định đến năm 2025 đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản đánh giá, chưa văn kiện nào định lượng mục tiêu rõ ràng như văn kiện này với tầm nhìn đến năm 2030, xa hơn là năm 2045. Tầm nhìn như vậy sẽ là định hướng, đưa ra những bước chuẩn bị cụ thể để đưa đất nước ta đi xa. “Đó không chỉ là tầm nhìn, đó là quyết tâm định vị quốc gia trong thế giới hiện nay. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mở ra những cơ hội mới, đồng thời đặt ra những thách thức nan giải không dễ vượt qua. Chỉ khi có quyết sách đúng, ta mới có thể chủ động đương đầu khó khăn và chớp lấy cơ hội phát triển”, TS Nhị Lê phân tích.
TS Nhị Lê chỉ rõ, ngoài xác định mục tiêu, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đề ra những đột phá lớn. Thứ nhất, đó là sự đột phá về thể chế - được coi thách thức bậc nhất hiện nay. Đây được coi là nỗ lực lớn của Đảng và bộ máy chính trị vì nếu không đổi mới thể chế thì sẽ không giải phóng được tiềm năng và rất khó phát triển. Vấn đề đổi mới thể chể được đặt ra và được nhấn mạnh đến năm 2025, tầm nhìn 2045 rất cấp bách. Trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả.
Đột phá thứ hai là đột phá về nguồn nhân lực. Bởi nếu có thể chế mà không có đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao thì ta sẽ không có bước tiến. Nghị quyết lần này đề ra trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển nhân tài là rường cột quốc gia. “Muốn đi xa, hành trang phải đầy đủ. Con người phải là trọng tâm, là động lực căn bản của công cuộc đổi mới. Đây là quyết tâm cao của Đảng”, TS Nhị Lê nêu rõ.
Đột phá thứ 3 đột phá cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Đột phá này sẽ là cơ sở để đất nước ta tận dụng hiệu quả, khắc phục khó khăn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Khát vọng phát triển đất nước hoàn toàn có cơ sở, khi nhìn lại nhiệm kỳ 2015 - 2020, đất nước ta đã phải đối mặt với vô vàn thách thức, cam go, song nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kiên cường vượt qua, giành nhiều thành tựu, được cả thế giới khen ngợi. Liên tiếp trong bốn năm, từ năm 2016 - 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.
Riêng năm 2020, trong “bầu trời u ám” kinh tế thế giới, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng. Kinh tế vẫn tăng trưởng dương 2,91%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 281,5 tỷ USD, nhập khẩu 262,4 tỷ USD. Thị trường trong nước ổn định, hàng hóa dồi dào, giá cả phải chăng ngay trong giai đoạn khó khăn do đại dịch. Dòng vốn FDI tiếp tục đổ về Việt Nam trong năm qua với 28,5 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn.
Nhìn chung, Nghị quyết đại hội XIII là kết tinh trầm tích lịch sử, dự kiến những quyết sách lớn mà toàn thể dân tộc, dưới ngọn cờ soi đường của Đảng không thể không làm dưới bối cảnh thời đại đã rất khác trước, khi thế giới đã phát triển không ngừng, khi chỉ đứng im cũng là tụt hậu.
Quyết tâm của doanh nghiệp
Những mục tiêu mà Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra là động lực cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, hiện thực hóa bằng những quyết sách cụ thể của Nhà nước.
Ông Trương Quang Luyến, Tổng giám đốc Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà cho biết, năm 2020, khi đại dịch Covid bùng nổ, các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đều bị ảnh hưởng. Song may mắn là dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã kiểm soát dịch tương đối tốt, giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại guồng hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
“Khi cả xã hội phải giãn cách, Văn phòng phẩm Hồng Hà đã phải đóng cửa nhà máy hơn một tháng, sau đó mới quay lại sản xuất từng bước. Tuy nhiên, trong khó khăn, chúng tôi đã tìm thấy con đường riêng để phát triển sản xuất kinh doanh”, ông Luyến chia sẻ, đồng thời cho biết, bên cạnh sản xuất các ngành hàng cốt lõi phục vụ học tập, doanh nghiệp đã đầu tư cho hai ngành hàng mới là giấy photo cung cấp cho khối văn phòng và đầu tư dây chuyền túi vải không dệt xuất khẩu đi Mỹ. Đây là nhóm ngành hàng giúp cho doanh nghiệp giữ vững tốc độ tăng trưởng.
Đất nước vào xuân.
Năm 2021 diễn ra trong bối cảnh Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa kết thúc tốt đẹp, đồng thời mở ra năm đầu cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, dịch Covid-19 quay trở lại với những diễn biến khó lường. Để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất kinh doanh thời gian tới, Văn phòng phẩm Hồng Hà đã có chủ trương tập trung vào nhóm ngành hàng mới là sản phẩm dành cho khối văn phòng, đồng thời nắm bắt tốt cơ hội xuất khẩu các sản phẩm như vải không dệt, các sản phẩm thân thiện với môi trường…
“Trong không khí Đại hội Đảng mới diễn ra đã thành công tốt đẹp, với sự đổi mới của đất nước, doanh nghiệp luôn vững tin nước ta sẽ có nhiều cơ chế, điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn. Trên cơ sở đó, Văn phòng phẩm Hồng Hà sẽ có những kế hoạch phát triển trong 5 năm tới, cố gắng thực hiện mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và vững vàng vươn ra thế giới”, ông Luyến kỳ vọng.
Xác định phát triển bền vững là mục tiêu cho giai đoạn tới, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, là một trong những doanh nghiệp tích cực trong các hoạt động thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tất cả các nhà máy của Nestlé tại Việt Nam đều được thiết kế và xây dựng nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng thống nhất trong cả tập đoàn. Năm 2018, tất cả các nhà máy Nestlé Việt Nam đã đạt mục tiêu “Không xả thải ra môi trường trong sản xuất” thông qua hoạt động tái chế, tái sử dụng nước thải, chất thải, góp phần thực hiện nền kinh tế tuần hoàn. Công ty tiếp tục nỗ lực để đạt mục tiêu “Đến 2030, không tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất”. Nestlé cũng vừa công bố lộ trình cụ thể để giảm một nửa lượng phát thải carbon năm 2030; tiến tới loại bỏ hoàn toàn phát thải năm 2050.
Một mùa Xuân mới lại về trên khắp mọi miền đất nước, mang theo niềm tin, hy vọng. Thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã tỏa ra một khí thế mới, quyết tâm mới. Từ đó, thôi thúc mỗi người dân, doanh nghiệp phấn khởi hơn, tin tưởng, đoàn kết và sáng tạo, cùng xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Gửi phản hồi
In bài viết