Trong 20 vở kịch nói, chiếm số lượng lớn là tác phẩm về đề tài lịch sử, dân gian, chiến tranh và hậu chiến; đề tài về những vấn đề nóng bỏng của đời sống đương đại rất ít. Chỉ có “Ngược chiều gió” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Đường chân trời” (Đoàn kịch Hải Phòng) về gia đình và người phụ nữ hôm nay, hay “Vầng sáng” (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn), “Trái tim thành phố” (Nhà hát Công an nhân dân), “Tình bạn và công lý” (Đoàn nghệ thuật tỉnh Phú Thọ) về vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực… Các vở này tuy được đánh giá khá, nhưng chưa thật sự nổi bật, chưa khiến khán giả thỏa mãn.
Dựng thành công kịch nói về đề tài hiện đại, nhất là những vấn đề nóng, được xã hội quan tâm luôn là thách thức đối với bất cứ đơn vị nghệ thuật nào. Song, kịch nói là loại hình sân khấu hiện đại, có lợi thế đi sâu phản ánh những vấn đề thời sự, những câu chuyện mới của đời sống hôm nay hơn bất cứ loại hình nào. Tiếc là cuộc tụ hội các tác phẩm chất lượng, chuyên nghiệp toàn quốc lần này lại thiếu những câu chuyện về thế hệ hiện đại, bước tiến của khoa học - công nghệ trong đời sống, những tệ nạn xã hội, hay cuộc chiến đấu với dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến cả thế giới… Để có nhiều tác phẩm kịch nói hấp dẫn, thời sự hơn nữa, cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp nên tổ chức trại sáng tác hoặc cuộc thi sáng tác chuyên về mảng đề tài này. Ngoài ra, các tác giả, đạo diễn cũng cần đầu tư sáng tạo với trách nhiệm và tâm huyết hơn...
Gửi phản hồi
In bài viết