Một góc không gian trưng bày các tác phẩm hội họa "Thiên đường hoàn hảo" của họa sĩ Lưu Tuyền.
Lưu Tuyền tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, sinh ra và lớn lên trong giai đoạn cuối của nền kinh tế bao cấp chuyển sang thời kỳ đổi mới cùng quá trình đô thị hoá nhanh chóng và sau này là sự bùng nổ của internet, công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Quá trình cũng ghi nhận sự tiếp nhận các giá trị văn hóa từ bên ngoài và những chuyển biến của văn hóa truyền thống. Những chuyển động thay đổi đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự cảm nhận và quá trình sáng tác của người họa sĩ quê Thái Bình.
Họa sĩ Lưu Tuyền đã có những thể nghiệm độc đáo về hình thức thể hiện, tái hiện quá khứ và văn hóa nghệ thuật dân tộc bằng ngôn ngữ hội họa.
Lưu Tuyền đã từng có một số triển lãm riêng và chung, đáng chú ý trong số đó là triển lãm “Vỏ bọc hiện thực”, “Hiện thực hoàn hảo” và “Hiện thực +” để lại nhiều ấn tượng với người xem về những thông điệp về cuộc sống, về những hoài niệm, ký ức của văn hóa nghệ thuật truyền thống và nhất là hình thức, chất liệu sử dụng trong tranh của anh. Ngay sau triển lãm chung “Hiện thực +” với nhóm họa sĩ đương đại trong năm 2023, vừa qua Lưu Tuyền tiếp tục gây ấn tượng với công chúng qua loạt tác phẩm mới ra mắt của bộ tranh “Thiên đường hoàn hảo” với các tác phẩm mang tính nhìn lại chặng đường 12 năm thực hành nghệ thuật của anh, từ năm 2011 đến nay.
Như cách nói của Lưu Tuyền, đó là hành trình đáng nhớ trong sự nghiệp của anh từ quá trình cởi bỏ lớp "Vỏ bọc của hiện thực" (năm 2012) để đi qua "Hiện thực hoàn hảo" (năm 2018) trong hơn mười năm nhiều biến động trong đời sống kinh tế, văn hóa-xã hội, tác động không nhỏ tới đời sống nghệ thuật đương đại. Mỗi tác phẩm trong bộ tranh mới của họa sĩ chuyển tải trong đó những dự cảm và cả các diễn biến tâm lý của cá nhân và cộng đồng trong những thay đổi nhanh chóng của thời công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bộ tranh “Thiên đường hoàn hảo” được trình làng là những tác phẩm mới với đề tài và đối tượng cởi mở hơn, mang những góc nhìn vừa có chiều rộng và cả chiều sâu. Họa sĩ nỗ lực lưu giữ lại những ký ức truyền thống như một cuộc đối thoại, so sánh của thời gian, của quá khứ và hiện tại. Tiêu biểu như trong tác phẩm “Nhà thờ Lớn Hà Nội” với những vết nứt, gãy được tạo ra đầy chủ ý, nhưng có nhiều tông màu và sắc thái tươi tắn hơn, đong đầy trong đó niềm hạnh phúc của họa sĩ trước một vẻ đẹp mới phát hiện từ những gì quen thuộc và mong muốn lan tỏa niềm hạnh phúc đó đến với công chúng.
Cùng tác phẩm này, còn nhiều tác phẩm khác của bộ tranh có thể kể đến như Đại nội Huế, Ô Quan Chưởng, Tháp Rùa... Ở đó, dưới mỗi nét vẽ, mảng màu, từng thực thể dần hiện ra với vẻ huyền hoặc, ẩn chứa nét vàng son, sự cổ kính dưới những lớp epoxy khô cong mà chỉ riêng Lưu Tuyền có được, khéo léo thể hiện những đường nét như sự rạn nứt, phá cách, liêu trai mà vẫn thống nhất trong một chỉnh thể muốn nêu bật. Hình ảnh di tích hiện lên mờ ảo của những giấc mơ, vừa thực, vừa ảo của ký ức u tịch và thiêng liêng với cách xử lý ánh sáng, bóng tối tài tình bằng màu sắc, để rồi cứ thế tan chảy, chuyển động một cách bền bỉ như không muốn dừng lại.
Ở bộ “Thiên đường hoàn hảo”, đối tượng mà Lưu Tuyền phản ánh mang đậm chất truyền thống, có thể là các di tích đền, đình, chùa, thành quách quen thuộc và cả những cổ vật bị lãng quên dưới đáy đại dương hoặc bị vùi chôn dưới lòng đất, lưu lạc khắp nơi, chỉ còn là dĩ vãng, có thể là những tàn tích lịch sử, trải qua sự tàn phá của thiên nhiên và con người hoặc thậm chí là những con người “muôn năm cũ” đang dần bị lãng quên.
Lưu Tuyền đã khéo khơi gợi, thu hút người xem trở về miền ký ức mà đâu đó vẫn có hình bóng của những con người xưa cũ trong đôi mắt mở to như muốn nhắc nhở thế hệ hôm nay không thể quên lãng. Điều đặc biệt, trong mỗi tác phẩm luôn hằn sâu vết rạn nứt chằng chịt, điểm xuyết ánh vàng sang trọng trên nền màu ố vàng của thời gian, của những đổ nát tàn tích như sự lần tìm về quá khứ, trở lại với lịch sử qua những thăng trầm, được chờ đợi để trở lại với hiện thực cuộc đời. Sử dụng chất liệu epoxy đã mang lại ấn tượng sâu sắc khi họa sĩ phủ lên từng mảng vỡ, rạn nứt và nhất là những gương mặt người xưa cũ một lớp men mới trong trẻo của sự hiện đại, như ngầm nhắc nhở người đời biết trân trọng, nâng niu các giá trị đẹp đẽ của quá khứ, lưu giữ và đưa các giá trị đó hoàn hảo hơn.
Theo họa sĩ Lưu Tuyền, qua bộ tác phẩm “Thiên đường hoàn hảo” vừa ra mắt tại S+ Studio (168 Trấn Vũ, Hà Nội), anh mong muốn tiếp tục đưa vào các thể nghiệm để mang lại một không gian tranh và những trải nghiệm cho người xem, được thiết kế gần gũi gợi nhớ về một Hà Nội những năm 80 của thế kỷ trước, làm sống dậy vẻ đẹp bản sắc của văn hóa dân tộc rực rỡ qua ngôn ngữ nghệ thuật. Ở đó có những đối lập của hai mặt cũ, mới, của quá khứ và đương đại, nhưng vẫn thống nhất trong những gắn kết không thể tách rời.
Gửi phản hồi
In bài viết