Hình tượng người công nhân, nông dân được khắc họa trong thi ca đương đại tuy không nhiều, nhưng ở mỗi bài thơ viết về họ đều toát lên vẻ đẹp tâm hồn, sức lao động khỏe khoắn, dẻo dai. Ta bắt gặp người nông dân cần mẫn, chất phác qua những bài thơ của Quỳnh Nga như: “Giọt vàng”, “Cây rơm”, “Tìm tuổi thơ” hay người dân quê lam lũ, đầy tình cảm qua tác phẩm “Ngày mai gặp lại” của Tạ Bá Hương. Và sự lạc quan yêu đời của người công nhân lâm trường trong tác phẩm “Nhà lâm trường Hàm Yên” của Nguyễn Quốc Trí.
Trong âm nhạc người ta thường nói đến “Ban nhạc đồng quê”; “Ca sĩ đồng quê”… Và khi nhắc đến Quỳnh Nga, nhiều bạn văn chương gắn chị với cái tên: “Nhà thơ đồng quê”. Chị hiện là kỹ sư nông nghiệp, công tác tại Trung tâm Khuyến nông huyện Sơn Dương. Chắc hẳn vì thế mà trong những sáng tác của chị luôn có hình ảnh gần gũi của làng quê Việt Nam, dáng hình nông dân quê thật thà, chất phác, nỗi lo toan của những ngày xa xưa: “Miếng khoai, củ sắn chia nhau/Lưng cơm, miếng cháo, sêu rau ấm lòng/Chợ phiên thưa thớt bên sông/Mớ tôm, mớ tép gánh gồng âu lo” (Chuyện xưa bà kể).
Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa (thứ 3 bên trái), Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao đổi với văn nghệ sỹ xứ Tuyên về đề tài công nhân.
Và hôm nay đây cô kỹ sư nông nghiệp Quỳnh Nga ngày đêm gắn bó cùng người nông dân. Sống, làm việc trong môi trường ấy, đã cho chị một nền tảng thực tế “chân quê” để sáng tác, để sinh ra được câu chữ, ngôn từ rất quê, rất mùa màng chân chất. Không như những câu thơ của người đứng trên bờ, hay đi qua cánh đồng bắt gặp hình ảnh sinh tình, mà thơ đã nhập vào công việc. Để rồi toát lên vần thơ như: “Thương em lưng cúi trên đồng/Run run tay mạ cho lòng tôi nao” (Cây rơm). Và rồi chị sống trọn vẹn trong cái không khí yên bình đó. Để rồi, ngắm nhìn hình ảnh quê hương bằng hình ảnh bông lúa vàng nặng trĩu, lắng nghe tiếng quê hương bằng những thanh âm luống ruộng cày. Tất cả làm nên dòng chảy cảm xúc thật bình yên: “Mồ hôi tìm dọc luống cày/Lẫn trong thớ đất bám dầy chân quê/Cỏ may đếm dọc bờ đê/Mỏng manh níu bước ta về tuổi thơ” (Tìm thơ tôi).
Những người công nhân lao động trên đồi chè, xưởng máy, công trường được các tác giả xứ Tuyên khắc họa chân thực, lấp lánh vẻ đẹp lãng mạn trong một tâm thế phấn chấn, lạc quan, yêu đời, hăng say cống hiến. Ta bắt gặp: “Tay em mở xá cày sâu/Đồi như nón úp thi nhau ken vành/Bàn tay ươm hạt dâm cành/Bàn tay gieo cả màu xanh trập trùng”. Đây là những câu thơ được trích trong bài “Hương của vùng đồi” - một bài thơ nổi tiếng, từng được phổ nhạc của thi sỹ Ngọc Hiệp. Từ đôi bàn tay mềm mại, nhỏ nhắn của các cô gái công nhân đã vỡ đất, ươm mầm gieo hạt. Và rồi tháng năm đi qua cũng từ đôi bàn tay ấy làm nên màu xanh ngút ngàn đồi chè tựa như chiếc nón của tạo hóa úp xuống trần gian.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, khi viết về công nhân, nông dân các tác giả thường sử dụng thể thơ lục bát để diễn tả. Chắc hẳn đây là dụng ý bởi thơ lục bát vốn gần gũi với ca dao, với làng quê nông thôn, con người lao động chân phác thật thà. Những vòng sóng cảm xúc chân thực gặp nhau tạo nên vần thơ nhẹ nhàng mà thiết tha đến thế: “Công em chín nắng mười mưa/Từ trong cằn cỗi bây giờ lên xanh”. Đó là sự biết ơn, sự trân quý những cống hiến, đóng góp của những người công nhân lâm trường “một nắng hai sương”.
Bên cạnh những bài thơ viết về những cống hiến, những vất vả gian lao thì còn có nhiều tác phẩm viết về đời sống, tâm tình hàng ngày của những con người cần lao. Trở về sau những giờ tan ca, họ tận hưởng những hạnh phúc bình dị bên mái ấm gia đình. Tác giả Cao Xuân Thái đã tái hiện khoảnh khắc dịu dàng, ngọt ngào ấy qua bài “Anh về sau ca đêm”.
Đó là người vợ thủy chung son sắt một lòng đợi chồng sau những giờ tan ca: “Bao nhiêu đêm như thế/Tan ca là anh về/ Em khép phòng thao thức/Trang trải dài tối khuya”. Và rồi, giây phút gặp lại nhau cả hai lại rộn ràng thao thức. Giữa đêm khuya thanh vắng nghe tiếng gõ cửa quen thuộc giọt nước mắt vui mừng lại rơi, con tim em xao động như thửa ban đầu hò hẹn: “Sao em run đến vậy/…Tình yêu mà - vốn thế/Vẫn buổi đầu anh ơi”. Trong tình yêu đợi chờ luôn là thử thách nhưng cũng là thứ gia vị ngọt ngào gắn kết trái tim bên nhau. Bài thơ là khúc tình ca ca ngợi thủy chung son sắt của người phụ nữ hậu phương.
Hình ảnh người công nhân, nông dân luôn là mảng đề tài có sức gợi đối với nhiều tác giả. Ngày hôm nay đây, độc giả xứ Tuyên luôn mong đợi người viết tích cực tiếp cận thực tế, đến từng nhà máy, xí nghiệp, công trường, ruộng đồng, bãi ngô…. để trải nghiệm và cảm thấu được tâm tình người thợ, người dân quê. Hy vọng rằng, với hiện thực sinh động ấy luôn là nguồn cảm hứng để những cây viết trẻ tiếp nối mạch nguồn.
Gửi phản hồi
In bài viết