Lê Tuấn Lộc và "Thợ mỏ gặp nhau"

- Nhà thơ Lê Tuấn Lộc (bút danh Lê Vũ Hạnh Phúc) là Tiến sỹ công nghệ Mỏ, quê gốc ở Nông Cống, Thanh Hóa, nhưng có thời gian dài sống và công tác trên cương vị Giám đốc Xí nghiệp Thiếc Bắc Lũng, thị trấn Sơn Dương, Tuyên Quang.

Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2002, đến nay anh đã có 20 tập thơ được xuất bản. Thơ Lê Tuấn Lộc đi sâu về đề tài công nhân - người thợ. Với lợi thế “người trong cuộc”, anh luôn nhìn ra nét đẹp bình dị, ấm áp tình đời, tình người trong nhịp sống vất vả mưu sinh của người lao động.


 Nhà thơ Lê Tuấn Lộc.

Thơ Lê Tuấn Lộc mộc mạc, sôi nổi, chân thành và tha thiết. Anh viết về đất mỏ, thợ mỏ với tất cả sự thấu hiểu, đồng cảm sâu sắc của mình. Anh vui cùng niềm vui, nỗi buồn người thợ. Trong lời tự bạch tập thơ “Thợ mỏ gặp nhau” do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản năm 2000, anh viết: “Thơ về mỏ thô ráp. Nó gần gũi với cỗi cằn, nắng gió hơn là mộng mơ, yêu kiều…”. Thế nhưng, bên cạnh nhịp sống thường nhật của người thợ, ca ba về khuya, nơi mỏ vẫn sáng đèn thao thức, quặng về lấp lánh... Không gian ấy, những năm tháng đáng nhớ ấy, với anh, là cả một trời ký ức của thanh xuân, gian lao, khuya sớm chẳng nề:

“Đời thợ mỏ chúng tôi/Ba ca đều có sắc màu riêng/Chứa đầy kỷ niệm
Năm tháng/Gió sương/Nắng rát/ Mưa dầm
Đều coi thường tất cả…”

(Ca ba vùng mỏ)

Thơ anh có chất ngang tàng của người đã quen đối diện với mọi nguy nan trong cuộc sống, nhưng vẫn thảng thốt lòng trắc ẩn rưng rưng về những cống hiến, hy sinh, những đóng góp lặng thầm đầy trách nhiệm của những người công nhân nơi núi cao, rừng thẳm, đặc biệt là thân phận của những người nữ công nhân:

“Bao giấy khen chị dán khắp cả nhà/Huân chương nữa của anh thời chống Mỹ/Đời làm mỏ và đời người chiến sỹ/Một đời thường như hạt quặng vô danh...” (Chị Sàng) hay chia sẻ với những âu lo, khắc khoải của người vợ có chồng bị kẹt trong lò “Mẹ con em vẫn chờ/ Biết đâu anh may mắn/Đêm nay em lo lắm/Ca đêm... vẫn chưa về”. 
(Mẹ con em vẫn chờ).

Những người thợ cần cù, chất phác, từ mọi miền đất nước, về đây thương nhau rồi coi mỏ thiếc Bắc Lũng là quê hương thứ hai của mình “Nơi xa lạ thành quê cha đất tổ. Tầng quặng dày đã hóa quê hương...”. 
(Xóm thợ)

Và thật thân thương, trữ tình, thi vị trong góc nhìn, trong tâm hồn người có tình với đất, với người 
nơi ấy…

“Đêm Giao thừa pháo nổ inh tai/Tưởng chỉ có trên trời và dưới thợ/Cánh lính trẻ mừng Xuân cười như phá/Bác thợ già vui quá khóc hu hu.
Chưa bao giờ tôi nghĩ chuyện chia tay/Bởi áo thợ với mình thân thiết quá/Bên đống lửa đón Xuân vui kỳ lạ/Thợ mỏ cười muốn đổ cả giàn khoan…” 

(Xuân ở mỏ)

Và những cung bậc cảm xúc có lẽ là “đặc trưng riêng”, chỉ cánh thợ mới có “Người thiếc gặp người than/Cười ran như... pháo nổ/Mặc kệ đời gian khổ/Ngang mày trăm phần trăm… Mới gặp, chia ly rồi/Lại cười như nắc nẻ/Thôi nào, chia tay nhé/Ngang mày trăm phần trăm…” 
(Thợ mỏ gặp nhau)

Hay tâm thế lạc quan, chan chứa tình đời, tình người “Xá gì quê xa. Xá gì nghèo khó. Yêu nhau cứ cưới. Gặp nhau cứ cười. Mai mốt về đâu con nước trôi. Dân mỏ không cần biết. Ngày cưới và ngày Tết. Vui tràn…”
(Đám cưới trong làng mỏ)

Với vốn sống thực tiễn phong phú, một giọng thơ đằm sâu chất sống, chất đời của một Tiến sỹ Mỏ, thơ của Lê Tuấn Lộc tươi tắn, bộc trực, khỏe khoắn chan chứa ân tình về cuộc sống lao động của vùng mỏ, của đời thợ...

Xưa nay, những gì chân thành từ trái tim dễ nhận được những rung động, đồng cảm, thiết tha yêu mến từ trái tim. Thơ anh phải chăng vì thế mà dễ cảm, dễ thấm, dễ đi vào lòng người…

Ngọc Hảo

Tin cùng chuyên mục