Vậy là gặp đúng thời điểm. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, dân làng Cổ Cò quyết “té nước theo mưa” xây luôn cổng làng. Thế nên, hơn tháng nay, làng Cổ Cò cùng một lúc triển khai thi công hai công trình lớn: xây mới cổng làng và sửa chữa nâng cấp nhà văn hóa. Ai cũng phấn khởi hồ hởi. Chỗ nào cũng ồn ã râm ran tiếng nói cười.
Bước vào làng, ngay quán bà Sen đã bề bộn xi măng, sắt thép, cát sỏi, ngổn ngang cây chống dàn giáo, cốt pha. Hình hài cái cổng chính của làng từ hôm thông qua bản vẽ đến nay cứ mỗi ngày lại hiện lên rõ dần. Ngày lại ngày người ta đua nhau ra ngó xem tiến độ thi công. Háo hức lắm. Nôn nao lắm. Cứ như công trình của nhà mình vậy. Chỗ nào cũng rôm rả câu chuyện xung quanh về cái cổng. Ai cũng ra vẻ hiểu biết. Cứ như họ là lãnh đạo làng không bằng.
Tuy mới chỉ xong phần thô thôi nhưng bốn cột trụ cổng làng trông đã sừng sững, bề thế lắm. Người ta đang dựng giáo để làm phần mái. Theo thiết kế, tận hai tầng mái, lợp ngói cổ hẳn hoi nhé. Lưỡng long chầu nguyệt trên nóc. Mây bay, gió thổi, mũi đao cong vút lên ở tám góc mái. Các họa tiết, con vật sẽ gắn những mảnh sành sứ, thủy tinh, sơn vẽ các màu. Phần chính cổng sẽ đắp chữ nổi gắn tên làng. Hai cột chính thì làm đôi câu đối gắn hai bên. Mặt trong, mặt ngoài đều có chữ. Làng làm nông nhưng chuộng chữ nghĩa lắm. Các cụ trong làng, nhất là các vị cán bộ hưu trí, các giáo viên ở làng đã chắt lọc, chọn lựa mãi mới được những chữ để gắn vào cổng. Ít nhưng mà chất. Dễ nhớ dễ thuộc. Vừa tự hào quê hương vừa nhắc nhở mọi người hãy sống cho xứng đáng là người dân của làng Cổ Cò.
Việc lấy ý kiến mẫu mã, kiểu dáng, quy mô cổng, lãnh đạo làng đã phải tổ chức nhiều cuộc họp với đủ các thành phần rồi. Ai cũng hiểu cổng làng chính là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng bề thế, chỉn chu, khẳng định cái “tôi” bản sắc của làng. Cửa nhà có thể xộc xệch, sơ sài; con người có thể lam lũ, nhếch nhác nhưng cổng làng thì phải đàng hoàng, chững chạc. Nó là bộ mặt, là biểu tượng của làng quê. Phần nào, nó thể hiện được cốt cách của làng, tư chất của mỗi người dân trong làng. Tuy chỉ là nơi ra vào thôi nhưng cổng làng lại hướng “vào” nhiều hơn là hướng “ra”. Nó đảm nhiệm phận sự gìn giữ. Phía sau cánh cổng làng chính là sự kết nối cộng đồng gia tộc làng xã, là những nét chung về phong tục, tập quán, văn hóa riêng biệt. Không làng nào giống với làng nào. Cổng làng không chỉ là nơi phân địa giới giữa các làng với nhau, mà trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê cùng với cây đa, bến nước, mái đình. Nó luôn có vị trí quan trọng trong đời sống của người Việt Nam ta.
Người bảo nên làm như cổng Đền Hùng, cứ bốn trụ biểu hiên ngang, sừng sững giữa trời là được. Người khác lại bảo nên làm giống cổng làng Mông Phụ, nó mới bản sắc, truyền thống dân tộc. Lại có ý kiến bảo thời đại mới, cổng làng phải là những đường nét, hình khối thẳng băng dứt khoát, vuông chéo chém cạnh, sắc góc hài hòa, thế mới khỏe khoắn, vững chãi. Bây giờ mà vẫn rồng bay, phượng múa thì không hợp, phải tạo dáng công nghiệp để bước vào kỷ nguyên tri thức, thời đại 4.0. Thôi thì thiên ý, vạn ý. Ý nào cũng có lý cả. Cuối cùng, dung hòa các ý lại, cổng làng Cổ Cò sẽ vừa có yếu tố bản sắc, vừa có yếu tố hiện đại. Bốn trụ sẽ vâm váp, vững chãi, ngang bằng sổ thẳng đúng dáng công nghiệp. Mái thì sẽ cổ kính, rồng bay, phượng múa, chồng bồn kẻ nghé, lợp ngói âm dương. Muốn thiết kế thế nào thì thiết kế phải chứa đựng hài hòa hai yêu cầu đó. Hải, công tác ở Phòng Kinh tế hạ tầng huyện, cũng lại là người của làng Cổ Cò đã vò đầu bứt tai, gạch xóa, đo vẽ điều chỉnh bản thiết kế đến lần thứ ba thì đa số dân làng thông qua. Đa số là được rồi. Làm sao mà chiều được cả trăm họ? Quyết xây đi chứ đợi đến bao giờ nữa? Kỷ niệm 60 năm lập làng đến nơi rồi!
Khó nhất là nguồn vốn thì khi đưa ra dân bàn không ngờ có đến hơn tám chục phần trăm số hộ ủng hộ, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp. Cả một số hộ vừa mới từ nơi khác đến làng ở cũng giơ tay tán đồng. Người bảo đóng góp theo đầu hộ. Kẻ khác lại bảo theo đầu khẩu. Ai có sức nào góp sức đó. Bằng tiền của, bằng ngày công. Mình làm cổng làng để mình đi chứ cho ai đi mà sợ. Thế nên ai cũng phải có trách nhiệm. Không phải là trách nhiệm nữa mà đó còn là quyền lợi. Vậy nên phải dựa vào sức mình là chính, không nên dựa dẫm vào các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm tài trợ. Xã hội hóa rất đáng làm nhưng sẽ dùng vào việc khác nếu như quyên góp vận động được nhiều. Ví như tu bổ nhà văn hóa, làm sân bóng, dành chỗ vui chơi cho trẻ em… chẳng hạn. Nghị quyết mức đóng góp, đối tượng đóng góp được thông qua. Ban vận động xây dựng được thành lập. Mấy doanh nghiệp trẻ của làng hăng hái ủng hộ công trình đầu tiên. Gạch các loại có Công ty Doãn Pha. Sắt thép xi măng của Phương Hải. Đường điện có Tiến Liên. Chữ biển bảng do hiệu quảng cáo Đỗ Hùng. Thợ xây có các đội nề Bá Cường, Bùi Khải, Mạnh Tuyến… Họ không có vật tư thì có tay nghề, xin sẵn sàng ủng hộ làng công xây dựng.
Hôm khởi công đào móng vui lắm. Lá cờ đỏ sao vàng mới tinh được cắm lên ngọn cây đa. Một băng rôn đỏ chói với hàng chữ trắng nổi bật dòng chữ “Lễ khởi công xây dựng cổng làng Cổ Cò” được căng ngang đường ngay chỗ sẽ đặt cái cổng mới. Người xe trên quốc lộ qua đây đều chạy chậm lại để ngó vào xem cái làng này hôm nay có sự kiện gì mà đông vui thế. Đọc được dòng chữ trên băng rôn, họ đều gật gù: “Xây cổng làng các vị ạ”. Thì ra đây là làng Cổ Cò. Bấy lâu nghe tiếng làng này rồi nhưng giờ mới biết nó ở đây. Làng này bưởi ngon và nhiều gái đẹp lắm đấy.
Dự lễ khởi công, về phía xã có ông San Đảng ủy, ông Trung Phó Chủ tịch Ủy ban. Phía làng có đại diện các ban, ngành, đoàn thể và một số lão làng. Còn lại là cánh thợ. Thế nhưng, nhiều người ở gần đó cũng ra để chứng kiến. Các cụ già phấn khởi lắm. 60 năm trước, chính họ dẫn con cháu lên đây, nơi rừng thiêng nước độc, làm gì có đường đi, làm gì có người ở. Thế mà nay đông vui lắm rồi, đường đi lối lại đẹp lắm rồi. Thì nông thôn mới rồi mà. Giờ thêm cái cổng này nữa thì trọn vẹn. Nhà có ngõ, làng có cổng. Thế mới phải, thế mới là khu dân cư kiểu mẫu chứ…
Cụ Tư, người cao tuổi nhất làng cầm cuốc bổ những nhát đầu tiên cho công trình. Sau đó là các vị đại biểu cũng bổ vài nhát cuốc làm phép. Máy xúc nổ máy múc đào. Máy trộn bê tông trộn cát sỏi xi măng quay ầm ầm. Thợ cả Cường lăng xăng cầm thước đo chỉnh, đôn đốc. Các thợ phụ tay dao, tay thước thi công. Giám đốc Pha giơ tay chỉ trỏ chỉ đạo. Tiếng cười nói râm ran, rổn rảng.
Khoảng một giờ sau, cái hố đầu tiên đã xong. Bí thư chi bộ, trưởng thôn xách mỗi người một xô vữa, họ đổ xuống hố móng. Phó cả Cường đặt viên gạch đầu tiên cho công trình. Mấy cụ già cũng bỏ quán bà Sen ra ngắm mọi người làm. Chuyện trò rôm rả. Không ai bảo ai, dân làng Cổ Cò ai biết việc gì thì làm việc đó. Ai cũng hăm hở góp sức. Tất cả thay nhau xúm vào làm. Mỗi người mỗi chân mỗi tay không kể gì công xá.
Đồng thời với việc xây cổng làng, nhà văn hóa làng cũng được tu sửa, nâng cấp. Hai tuyến trục đường chính của làng được phân ra các xóm. Xóm nào có đường chính đi qua thì trồng và chăm sóc hoa đoạn đường đó. Thống nhất kiểu mẫu nhưng đa dạng các loài hoa. Hoa mười giờ, hoa cúc, hoa huệ, hoa lan, hoa sim, hoa mua… miễn sao rực rỡ khoe sắc và tỏa hương. Cống rãnh thông thoáng. Tuyệt đối không xả rác bừa bãi ra đường. Hệ thống đèn đường được sắp xếp lại đảm bảo đêm đêm đèn chiếu sáng đồng bộ các xóm. Không xóm nào tối quá hoặc sáng quá. Mỗi cột đèn, từng bước sẽ gắn một pano khẩu hiệu như ở phố. Trên đó để sẵn một đoạn ống thép gắn chéo lên để cắm cờ mỗi khi lễ, Tết đến. Các ngõ xóm tùy theo thực tế cũng sẽ làm cho sạch đẹp cùng với làng.
Quán của bà Sen là nơi tụ tập, nghỉ giải lao, nước nôi của cánh thợ và những người qua đường. Bà vui lắm. Lên khai hoang lập làng từ lúc tuổi hai mươi, trong đội quân tiền trạm, bà là công dân đầu tiên của làng này. Sáu chục năm, chứng kiến bao đổi thay của mảnh đất này, nay ở tuổi tám mươi thấy cổng làng như quê cũ đang hình thành bảo bà không vui sao được? Bà cười hở lợi nói với mọi người rằng mai kia cổng xong, chính bà là người canh cổng cho làng. Ai đi, ai đến đều phải qua bà. Chả thế lại không ư? Và bà cười tươi roi rói hở cả hai hàm răng ăn trầu đen nhánh như hạt na cùng vui với mọi người.
Thì kia, hình dáng cổng làng đang hiện dần lên đó thôi. Mọi người đi qua, ai cũng dừng chân ít phút để ngó nghiêng, bình phẩm. Hình như ai cũng dấy lên niềm tự hào về làng quê thân yêu của mình.
Gửi phản hồi
In bài viết