Đoàn thanh niên xã Thái Bình (Yên Sơn) tham gia lao động, vệ sinh đường làng ngõ xóm.
Những năm qua, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được triển khai sâu rộng. Đặc biệt ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng ngày càng một nâng cao cùng với các phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Tuyên Quang chung tay phòng chống rác thải và chống rác thải nhựa, phong trào “5 không 3 sạch”… Đã có trên 60 nghìn tờ rơi, tài liệu tuyên truyền vệ sinh môi trường được cấp phát; trên 9.000 túi vải thân thiện, 61 thùng rác, 12 xe thu gom, vận chuyển rác và 7.000 xô đựng rác được trao tặng. Các chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”, “Đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập”, “Ngày Chủ nhật xanh” được duy trì và mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn các hoạt động hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước. Bác sỹ Lưu Thanh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, ngành Y tế đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục tại cộng đồng bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền lồng ghép qua các cuộc họp, loa truyền thanh thôn bản… Đặc biệt, mô hình xây dựng cộng đồng “làng văn hóa, làng sức khỏe” với các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích, vệ sinh nhà cửa, khám sức khỏe định kỳ, tiêm vắc - xin phòng bệnh… được tổ chức hàng năm đã mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 167.300 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt 80,6%; 194.895 hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, đạt 94,6%; 78.132 hộ có chuồng gia súc hợp vệ sinh, đạt 72,3%...
Một số hoạt động trọng tâm của phong trào vệ sinh yêu nước được ngành Y tế triển khai thực hiện trong những năm qua đó là Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường; Dự án cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả. Đặc biệt, Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã góp phần xóa bỏ thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững.
Hội Phụ nữ phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) duy trì hoạt động thu gom rác thải nhựa hàng quý.
Chủ tịch UBND Hào Phú (Sơn Dương) Trần Việt Bắc nói, trước đây đời sống bà con gặp nhiều khó khăn nên việc đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế. Từ khi có Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, UBND xã triển khai tuyên truyền, vận động bà con về ý nghĩa của vệ sinh môi trường, tầm quan trọng của việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến nay, toàn xã có trên 85% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Thông qua các chương trình hỗ trợ, vận động, tuyên truyền vệ sinh yêu nước, đến nay bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia phong trào bằng những việc làm cụ thể như xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; thu gom rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định; vệ sinh đường làng ngõ xóm; khử khuẩn để phòng chống dịch bệnh. Anh Bàn Văn Hướng, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) nói, vừa qua, anh đã xây dựng lại nhà kiên cố với hệ thống nhà tắm, vệ sinh khép kín. Anh cũng nhắc nhở con cái phải giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và không vứt rác bừa bãi để phòng chống dịch bệnh.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp phải một số hạn chế cần được khắc phục. Đó là, các chương trình chủ yếu dựa vào cộng đồng nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn; một số nơi do phong tục tập quán lạc hậu, chưa hiểu hết ý nghĩa của xây dựng công trình vệ sinh đủ tiêu chuẩn; mức độ thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân chưa thực sự tạo được chuyển biến lớn...
Gửi phản hồi
In bài viết