Không hẹn ngày về
Cựu chiến binh Lại Văn Ba, tổ 13, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang bồi hồi nhớ lại những năm tháng hào hùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Với giọng điệu trầm ấm, ông kể lại cho chúng tôi nghe về một phần ký ức đã hằn sâu trong tiềm thức của mình, khi ở tuổi đôi mươi với những lá thư không hẹn ngày về.
“Ông có từng sợ không” ? - tôi bất giác hỏi ông khi xem lại những mảnh ký ức trong cuốn sổ nhỏ. Ông bảo thời ấy, trong lòng chỉ có quyết tâm duy nhất là đất nước được hòa bình, thống nhất. Dù đang tuổi đôi mươi, đang còn nhiều ước mơ dang dở, nhưng nếu ai cũng chờ người khác lên đường thì Tổ quốc biết trông cậy vào ai? Bởi thế mà trên khắp cả nước, hàng triệu lá đơn xin nhập ngũ được gửi, khi ấy ai cũng đều ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời với tình yêu giành trọn cho Tổ quốc.
Cựu chiến binh Lại Văn Ba, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) lưu giữ lại những kỷ niệm chiến tranh qua dòng nhật ký.
Sau khi sáp nhập với Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 tiến quân theo trục Quốc lộ 1, lần lượt giải phóng Đà Nẵng, Nha Trang, rồi thọc sâu vào khu vực Long Thành. Tối ngày 25, trong quá trình chuẩn bị chiến đấu, toàn bộ các cán bộ trinh sát của đơn vị đã anh dũng hy sinh khi nhận nhiệm vụ. Ông Ba cùng đồng đội tham gia trận mở màn tại khu vực Long Thành - Nhơn Trạch - Thành Tuy Hạ, sau đó tiếp tục tiến quân đến bến cảng Cát Lái và dừng lại tại đây. Chiều ngày 30-4, đơn vị tiến vào Dinh Độc Lập, hòa cùng niềm vui chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cựu chiến binh Trần Huy Giáp, hiện sinh sống tại thị trấn Sơn Dương (huyện Sơn Dương), những tháng ngày chiến đấu trong đội hình Lữ đoàn xe tăng 273, Quân đoàn 3 vẫn còn in đậm trong ký ức như mới hôm qua. Thời điểm ấy, điều kiện chiến đấu vô cùng gian khổ, thiếu thốn đủ thứ từ lương thực, quân trang cho đến vũ khí, đạn dược.
Đại đội của ông đảm nhiệm nhiệm vụ mũi nhọn tấn công, đặc biệt là trong trận đánh ác liệt tại khu vực Ngã tư Bảy Hiền - Lăng Cha Cả, trên đường tiến công đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa. “Trận chiến đó ác liệt vô cùng, bầu trời như muốn rung chuyển vì tiếng đại bác, tiếng pháo kích dội xuống xé nát không gian. Mùi khói thuốc súng, mùi đất cháy, mùi mồ hôi và cả máu, tất cả trộn lẫn tạo thành một ký ức không bao giờ tôi có thể quên được” - ông Giáp chia sẻ.
Trận đánh đó ông cùng đồng đội xuất kích với 7 xe tăng, nhưng đến cuối trận, 3 chiếc bị cháy, 5 đồng đội mãi mãi không trở về. Những mất mát ấy vẫn luôn là vết hằn sâu trong tâm trí người lính già, và cũng là minh chứng không thể phai mờ cho tinh thần quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Ký ức không thể nào quên…
“Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây… Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù. Hướng về đồng bằng, ta tiến về thành đô. Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù...”, đó là lời hát vang suốt dọc đường tiến quân qua lời kể của ông Nguyễn Hải Triều, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa). Ông kể: Dọc đường hành quân, bộ đội ta hừng hực khí thế vừa đi vừa hát vang.
Ông Triều cho biết: “Sau khi Dinh Độc Lập thất thủ, Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, khắp mọi nơi vỡ òa trong niềm vui sướng. Những tiếng hò reo vang lên khắp nơi, lá cờ giải phóng đỏ tươi được kéo lên giữa nền trời xanh thẳm, trong tiếng vỗ tay, tiếng mừng rỡ đến nghẹn ngào. Tôi chưa từng thấy ánh mắt ai sáng rực đến vậy - sáng vì hy vọng, vì tự hào, vì niềm vui vỡ òa sau bao năm khói lửa.
Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, những người lính bám trụ từ chiến trường Tây Nguyên, qua cửa ngõ Sài Gòn, giờ đã đứng giữa trái tim thành phố. Có người cười, có người khóc, có người vừa nhảy vừa hô “Hòa bình rồi! Thống nhất rồi!”. Giữa những tàn tích còn chưa kịp nguội, niềm vui đã bùng lên và đó cũng là ngày hạnh phúc nhất trong trái tim tôi”.
Các Cựu chiến binh giao lưu kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước tại trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang).
Cũng giống như ông Triều, Cựu chiến binh Đào Xuân Mầu, xã Đức Ninh (Hàm Yên) khi ấy là chiến sĩ Trinh sát pháo C17, D20 Quân đoàn 3 vẫn nhớ như in trận đánh lịch sử năm đó. Ông chia sẻ chiến thắng ngày 30/4 là niềm vui lớn lao, nhưng cũng là ngày ký ức đong đầy với quá khứ, tình đồng đội và cả những mất mát âm thầm cứ mãi khắc ghi trong tim. Chiến tranh đã đi qua, nhưng ký ức còn ở lại. Và trong những ký ức ấy, tôi thấy mình may mắn vì được sống, được chứng kiến giờ phút đất nước hòa bình, thống nhất, đẹp đẽ như ngày hôm nay.
“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra
Đất Nước”.
Dẫu chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, trong tim những người lính Cụ Hồ, ký ức về chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh và tình đồng đội vẫn còn vẹn nguyên. Họ chưa từng quên những trận đánh ác liệt, những bước chân thần tốc xuyên dọc đất nước, càng không nguôi nỗi nhớ những người đã nằm lại nơi chiến trường. Với họ, mỗi mùa tháng Tư trở về không chỉ là niềm tự hào, mà còn là nỗi niềm lặng lẽ dành cho một thời oanh liệt không thể nào quên.
Gửi phản hồi
In bài viết