Vượt lên số phận
Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp ghé thăm chị Hà Thị Len, sinh 1977, người khuyết tật, thôn Làng Bục, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa), thành viên CLB Khát vọng Tuyên Quang. Trong ngôi nhà xây khang trang, thoáng mát, chị Len khoe, đây là thành quả lao động của chị trong những năm qua, luôn nỗ lực cố gắng phấn đấu đó.
Một buổi sinh hoạt của CLB Khát vọng Tuyên Quang với Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh.
Chị Len chia sẻ: “Tôi là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em. Tôi có thân hình bé nhỏ nhất nhà, cao 1m28, nặng 38 cân. Ngay từ khi sinh ra, tôi đã mang hình hài khác biệt với những đứa trẻ khác. Đôi bàn tay thì bé, chân ngắn đi lại cũng khó khăn. Bản thân đã thiệt thòi là vậy, nhưng gia đình nghèo lên tôi chỉ được học hết cấp II, rồi phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học. Sau khi em út học xong cấp III, tôi nghĩ mình phải cố gắng vươn lên để còn nuôi chính bản thân và phụng dưỡng bố mẹ tuổi già. Vốn cũng thích may mặc, năm 1998, tôi được chị hàng xóm Nguyễn Thị Tính, nhận dạy nghề may cho. Sau gần 3 tháng kiên trì học nghề, tôi đã về nhà mở cho mình một cửa hàng may thời trang nhỏ. Ban đầu tôi chỉ nhận sửa chữa quần áo, dần dần bà con trong thôn, xã tin tưởng đến đo quần áo mặc. Xong với nghề may, có vốn tôi mở thêm hàng tạp hóa bán bánh kẹo. Kinh doanh chưa được bao lâu, năm 2015 quán nhỏ của tôi bị một trận mưa đá, giông lốc, làm hỏng hết. Nhưng được sự động viên của gia đình, bạn bè tôi lại cố gắng xoay sở vay mượn xây dựng lại cửa hàng. Tôi không làm may nữa mà chuyển sang kinh doanh hàng tạp hóa, làm đại lý bán sim thẻ điện thoại, rồi liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp xã Tân Thịnh, bán vật tư nông nghiệp phục vụ nông dân. Đến nay, trung bình mỗi tháng tôi thu nhập được 10 triệu đồng, niềm vui lớn nhất tôi đã xây dựng được nhà cửa khang trang và chăm sóc bố mẹ”.
Bỏ qua mặc cảm về khiếm khuyết trên cơ thể, chị Hoàng Thị Khuyên, sinh 1979, tổ 16, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) thành viên CLB Khát vọng Tuyên Quang luôn cố gắng vượt qua nghịch cảnh. Năm 2019, khi ở tuổi 20 với biết bao hoài bão, bất ngờ chị bị tai nạn giao thông, từ một người khỏe mạnh có cuộc sống, công việc ổn định. Chị Khuyên bỗng chốc trở thành gánh nặng gia đình, bị liệt tủy sống, mất 95% sức khỏe, nằm một chỗ, mọi sinh hoạt hằng ngày của chị đều cần sự giúp đỡ của mẹ.
Vợ chồng chị Hoàng Thị Khuyên và anh Nguyễn Trung Thành, tổ 16, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) bán hàng online.
Chị Khuyên tâm sự: “Lúc đó, tôi cũng buồn vì cơ thể mình không lành, nhìn thấy mẹ quá vất vả chăm tôi rồi còn nuôi thêm cháu ngoại. Mỗi ngày tôi phải cố gắng tập ngồi dậy, lê la bò lên giường, rồi lên xe lăn, dần dần tôi ngồi vững và tự lên xe được. Hơn 3 năm tập luyện được cho bản thân, tôi nghĩ đến phải tìm cách nào kiếm ra được 500 đồng một ngày, để mua một phong mỳ tôm ăn cho mẹ đỡ khổ. Rồi tôi được mọi người chia sẻ công việc dành cho người khuyết tật, tôi tìm đến làm tăm tre, đóng gói gia công vỏ bánh kẹo, có vốn tôi mở cửa hàng văn phòng phẩm. Năm 2006, mẹ tôi bị tai biến đi lại khó khăn, tôi biết đến bán hàng online với nhiều mặt hàng và duy trì công việc cho đến nay”.
Điều may mắn hơn với chị Khuyên, trong thời gian bán hàng online, chị gặp được chồng chị là anh Nguyễn Trung Thành, sau thời gian tìm hiểu, anh chị nên duyên vợ chồng. Anh rất thương chị, dù chị không sinh được con, anh luôn động viên chị “chỉ cần mình sống hạnh phúc có nhau là đủ rồi vợ ạ”. Trong cuộc sống hàng ngày, anh Thành luôn hỗ trợ chị trong việc bán hàng, đi ship hàng, chăm sóc chị mỗi khi trái gió, trở trời. Mặc dù công việc của chị thu nhập không nhiều nhưng nó phù hợp với sức khỏe, đủ để chị trang trải cuộc sống hàng ngày.
Gắn kết những hoàn cảnh khiếm khuyết
Chị Nguyễn Thu Hương, Chủ nhiệm CLB Khát vọng Tuyên Quang cho biết: “CLB được thành lập từ năm 2023 đến nay với 27 thành viên là những người khuyết tật vận động, khuyết tật tai nạn của thành phố, huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn và Sơn Dương; các thành viên có độ tuổi từ 22 - 60 tuổi; mỗi quý sinh hoạt 1 lần. CLB ra đời từ nguyện vọng chung của người khuyết tật mong muốn được có nơi sinh hoạt, góp phần gắn kết những người đồng cảnh ngộ. Đồng thời thể hiện tiếng nói của người khuyết tật, xây dựng xã hội bình đẳng trên địa bàn tỉnh. Trong mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên được giao lưu, chia sẻ về bản thân, thể hiện kỹ năng của mỗi cá nhân... giúp các thành viên dần trở nên tự tin và tham gia sôi nổi hơn”.
Chị Hà Thị Len, sinh năm 1977, người khuyết tật, thôn Làng Bục, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa), bán hàng tạp hóa.
Anh Đỗ Văn Dương, thôn Đông Trai, xã Đông Thọ (Sơn Dương) thành viên của CLB chia sẻ: “Tôi may mắn biết được thông tin của CLB và đăng ký tham gia để mong tìm được sự đồng cảm, sẻ chia từ những người cùng cảnh ngộ. CLB đã giúp tôi học hỏi tinh thần và nghị lực sống tự tin hơn trong giao tiếp. Đến nay, tôi cảm nhận mình không còn mặc cảm như trước và tự tin nói với mọi người rằng mình cũng là một “đóa hoa” có thể làm đẹp cho đời, cho xã hội...”.
Anh Trần Mạnh Hải, tổ 6, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) nói: “Là người khuyết tật đôi chân nên tôi hiểu những khó khăn mà những người khiếm khuyết phải gặp. Vì vậy, tôi rất muốn tham gia CLB Khát vọng Tuyên Quang để có điểm tựa, tạo niềm tin, cơ hội cho tôi thể hiện những thế mạnh của bản thân, vươn lên thay đổi cuộc sống”.
CLB còn thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ, tặng quà, biểu diễn văn nghệ, thể thao cùng các bạn người khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh. Các hoạt động này góp phần tăng sự tự tin, hòa nhập cộng đồng cho mọi thành viên, hướng đến xã hội bình đẳng, không rào cản và cùng nhau sống tích cực, cống hiến. Thời gian tới, CLB tổ chức các hoạt động phù hợp với nhu cầu của các thành viên nhằm hỗ trợ, động viên người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng. Kết nối các tổ chức để hỗ trợ dạy nghề, bán hàng online tạo việc làm ổn định cho những người khuyết tật để có thu nhập và ổn định cuộc sống.
CLB Khát vọng Tuyên Quang không chỉ thắp lên “ngọn lửa” nghị lực sống trong mỗi người khuyết tật, giúp họ tìm thấy niềm tin, sự đồng cảm để vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Qua đó, lan tỏa mạnh mẽ những giá trị nhân văn của cuộc sống để kết nối và đưa mọi người đến gần nhau hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết