Người góp nhặt ký ức chiến tranh

- Ít ai biết rằng, ngôi nhà nhỏ nằm ẩn mình dưới rặng cau cao vút của thầy giáo Nguyễn Quang Vĩnh, thôn Đồng Bả, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) lại ẩn chứa một “kho báu” vô giá. Ông đã dành cả cuộc đời để góp nhặt những mảnh vỡ của chiến tranh, lưu lại những ký ức hào hùng của dân tộc…

Hành trình từ quá khứ

Qua lời kể của ông Vĩnh, chúng tôi được biết gia đình ông đã 3 lần nhường nhà cho bộ đội đóng quân qua các thời kỳ chiến tranh của đất nước.  Khi đó ông còn là một đứa trẻ, hay quấn quýt bên các chú bộ đội để nghe các chú kể những câu chuyện về chiến tranh, để được nghe những bài hát đã đi cùng năm tháng vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần. Hình ảnh những người lính dũng cảm, những giọt mồ hôi và máu đỏ thắm đã thấm đẫm tâm trí ông trở thành nguồn cảm hứng cho ông trên hành trình sưu tầm các kỷ vật chiến tranh. Thấy ông thích những vật dụng nhỏ xinh nên mỗi lần dời đi, các chú bộ đội thường tặng ông những đồ vật: Cái la bàn nhỏ, hộp đựng các con dấu, cái đài cát séc, tăng võng; quần áo… làm kỷ niệm.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, thôn Đồng Bả, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) thường xuyên lau chùi những kỷ vật mình sưu tầm được.

 

 

Ông Vĩnh kể lại: “Anh trai ông lên đường nhập ngũ khi ông đang học lớp 6. Bố mẹ ông lúc đó không biết chữ, hàng tháng anh trai viết thư về thì ông thường đọc cho bố mẹ nghe và viết thư trả lời. Những bức thư đi và đến gửi biết bao thương nhớ của gia đình và nỗi niềm của người nơi chiến trường đã khiến ông thêm yêu và trân trọng những ký ức của chiến tranh”.

Hành trình sưu tầm của ông Vĩnh cũng không hề đơn giản. “Mỗi chiếc mũ hay một bộ quân phục ông Vĩnh tìm được đều là một phần của ký ức, là vết tích của những người đã hy sinh vì độc lập, tự do. Có những kỷ vật ông gặp trong những chuyến đi công tác, gia đình của những người đã từng tham gia chiến tranh, hay trong những buổi gặp gỡ với các cựu chiến binh. Mỗi lần có được một kỷ vật mới, ông rất trân trọng bởi với ông, ông đang được nhận một báu vật vô giá từ quá khứ”, ông Vĩnh trải lòng.

Trong hành trình sưu tầm kỷ vật, ông Vĩnh nhận được sự ủng hộ âm thầm của gia đình. Vậy nên có những đồ ông được tặng, có những đồ ông đã dành những đồng lương ít ỏi để có được. Dù những kỷ vật đều được những người lính hay thân nhân của họ trân quý, nhưng nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, ông đã chủ động gửi tiền để có được kỷ vật ấy để giúp gia đình họ có thêm chút tiền lo cho cuộc sống. Mỗi lần như vậy, ông lại thủ thỉ với vợ: “Tháng này anh không đưa được hết lương cho vợ rồi”. Vợ ông tuy không nói gì, nhưng âm thầm lau chùi những đồ ông mới mang về và cất gọn gàng vào một góc nhỏ của riêng ông. Chỉ vậy thôi, ông lại có động lực để tiếp tục với đam mê của mình.

Mỗi kỷ vật chiến tranh đều mang một câu chuyện riêng, hành trình riêng.

Lan tỏa tình yêu quê hương

Ông Vĩnh hiện đang sở hữu gần 100 kỷ vật từ cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hào hùng của dân tộc. Những chiếc mũ cối đã sờn, những bộ quân phục bạc màu, hay những lá thư viết đầy tình thương từ chiến trường gửi về quê hương, mỗi kỷ vật đều gợi nhớ về một câu chuyện, một đoạn đời, một âm thanh vang vọng, tất thẩy gói tròn trong 2 chữ “Yêu nước”.

Suốt những năm tháng dạy học tại các điểm trường từ Hà Giang đến Tuyên Quang, ông Vĩnh vẫn âm thầm sưu tầm những kỷ vật chiến tranh. Ông Vĩnh là giáo viên dạy môn Văn và môn Sử, những kỷ vật đó đã trở thành đồ dùng trực quan giúp các bài giảng của ông trở nên sinh động, bớt khô khan. Học trò của ông hào hứng hơn với môn học và thêm hiểu về thế hệ cha anh đã sống và chiến đấu thế nào để có được nền độc lập, hòa bình ngày hôm nay. Ông Vĩnh chia sẻ: “Lịch sử không chỉ là những con số hay sự kiện khô khan. Nó là những câu chuyện cảm động, là những kỷ niệm đầy trắc trở. Và những kỷ vật là minh chứng sống động nhất cho những điều đó”.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh kể câu chuyện chiến tranh qua kỷ vật cho các cháu mình.

Không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm và lưu giữ, ông Vĩnh còn ấp ủ một ước mơ, đó là truyền tải những câu chuyện xung quanh những kỷ vật đó đến với thế hệ trẻ. Ông hay kể lại cho các con, cháu, các bạn đoàn viên, thanh niên trong xã nghe những câu chuyện về chiến tranh gắn với những kỷ vật mình đã sưu tầm được. Em Nguyễn Thị Lan, lớp 11A, trường THPT Hòa Phú (Chiêm Hóa) chia sẻ: “Mỗi câu chuyện của thầy Vĩnh kể đều chứa đựng sự ấm áp, tình cảm. Qua những câu chuyện, chúng em hiểu hơn về sự hy sinh, mất mát trong quá khứ. Từ đó thêm yêu quê hương, đất nước và có trách nhiệm bảo vệ, xây dựng quê hương”.

Dù tuổi đã cao nhưng hành trình góp nhặt và gìn giữ những kỷ vật chiến tranh của ông Vĩnh vẫn tiếp tục không ngừng. Những kỷ vật ấy không chỉ lấp đầy không gian mà còn là niềm tự hào dân tộc, là linh hồn sống động kết nối quá khứ với hiện tại.

Trang Hoàng

Tin cùng chuyên mục