Vì nguyện vọng của Nhân dân
Năm 2023, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét trên nhiều phương diện. Trong 2 kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đều tích cực tham gia nhiều ý kiến tâm huyết tại tổ và hội trường. Trong đó tham gia 27 lượt góp ý vào các dự án Luật tại Tổ và tại Hội trường như: Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật đất đai (sửa đổi); Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)... Dấu ấn của Tuyên Quang tại Quốc hội cũng ngày càng rõ nét hơn khi ĐBQH tỉnh phân tích và tham gia nhiều ý kiến chất lượng vào các dự án luật có liên quan trực tiếp đến quá trình tổng hợp thực tiễn triển khai tại tỉnh.
Hoạt động tiếp xúc cử tri cũng được Đoàn ĐBQH nâng cao. Trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện tiếp xúc cử tri theo định kỳ và tiếp xúc cử tri chuyên đề tại 35 cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với 5.019 cử tri tham dự. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH cũng thực hiện Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Trưởng đoàn và Đoàn ĐBQH tỉnh với công nhân lao động trên địa bàn tỉnh, tại Liên đoàn Lao động tỉnh trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí Phó chủ tịch HĐND tỉnh điều hành kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIX.
Đối với hoạt động của cơ quan dân cử cấp tỉnh, HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới cả về tổ chức, nội dung và phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Thường trực HĐND tỉnh luôn bám sát chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, nêu cao tinh thần chủ động, quyết tâm, thể hiện sự nhạy bén trong dự báo sát tình hình.
Tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND tỉnh tiếp tục được khẳng định, nhằm hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Với 5 kỳ họp (2 kỳ họp thường lệ, 3 kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh đã quyết nghị, ban hành 73 nghị quyết góp phần quan trọng việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát của HĐND tỉnh tiếp tục đi vào chiều sâu, tập trung vào nội dung trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm và liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của Nhân dân. Qua đó, kịp thời kiến nghị các ngành, địa phương liên quan có hướng giải quyết, khắc phục. Nổi bật là trước một số bất cập trong lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo, HĐND tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, kịp thời nắm bắt kiến nghị cử tri, đề xuất giải pháp cụ thể để UBND tỉnh tiếp thu, chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Khẳng định vai trò giám sát của cơ quan dân cử
Bằng tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động quyết liệt vì lợi ích của cử tri, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã đề cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương thức hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ giám sát.
Đáng chú ý, các cuộc giám sát do ĐBQH và HĐND tỉnh tập trung vào những vấn đề lớn, nội dung nhạy cảm, giai đoạn thực hiện dài. Đây cũng là những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm. Trong đó, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh được tăng cường theo hướng toàn diện, sâu sát, quyết liệt và hiệu quả; có sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa các hình thức, phương thức và các chủ thể giám sát. Trong năm HĐND tỉnh thực hiện 6 cuộc giám sát chuyên đề; 4 phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh và các cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên đã chỉ ra hạn chế, vướng mắc, khó khăn, góp phần khắc phục hạn chế, đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước ở địa phương.
Đơn cử, thông qua giám sát chuyên đề về phát triển lâm nghiệp tỉnh giai đoạn 2016 - 2022, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan và các địa phương thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy với Nhân dân thôn Bản Mèo, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa).
Khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị. Đồng thời, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng của rừng trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gắn với quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao đời sống của người trồng rừng và bảo vệ rừng.
Cùng với giám sát chuyên đề, HĐND tỉnh còn chủ động giám sát, giải quyết các kiến nghị của cử tri. Hàng tháng, HĐND tỉnh thực hiện đánh giá việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp. Các tổ đại biểu, các ban của HĐND tỉnh, HĐND huyện đều thực hiện hoạt động giám sát theo về việc giải quyết kiến nghị cử tri. Những vấn đề nhiều cử tri quan tâm, những kiến nghị nhiều năm chưa được giải quyết còn được lựa chọn để tổ chức chất vấn, hoặc tổ chức phiên giải trình để giải quyết, là rõ vấn đề.
Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét, Đoàn ĐBQH đã thực hiện giám sát “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; Giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và Giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” trên địa bàn tỉnh...
Trên cơ sở giám sát thực tế, Đoàn đã tổng kết lại bài học kinh nghiệm của Tuyên Quang trong việc quán triệt, chấp hành, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật; lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thi hành, điều hành thực hiện chính sách, pháp luật… Đồng thời, là cơ sở quan trọng để Trung ương sửa đổi các quy định để phù hợp hơn với thực tiễn.
Những đóng góp của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử tỉnh năm qua đã góp phần quan trọng để Tuyên Quang hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; đồng thời tiếp tục tạo những dư địa mạnh mẽ cho sự phát triển của tỉnh thời gian tới. Niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, bộ máy chính quyền các cấp ngày càng được củng cố, nâng cao.
Gửi phản hồi
In bài viết