Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc rượu cấp tính (say rượu) ở giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích (người thấy sảng khoái, nói nhiều, các vận động phối hợp đã bị rối loạn). Giai đoạn ức chế biểu hiện: Phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng, giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, nặng có thể tử vong. Ngộ độc mạn tính xảy ra khi uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da tái do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần.
Nguyên nhân của ngộ độc rượu là do uống rượu quá mức chấp nhận của cơ thể, uống rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm, như: Uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; uống rượu ngâm với lá, rễ, hạt cây hoặc ngâm với phủ tạng… động vật.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần thực hiện các nguyên tắc: Không uống rượu khi chưa biết rõ nguồn gốc, xuất xứ và không nhãn mác; không uống rượu có hàm lượng Methanol > 0,1%, vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên và không uống vượt quá 30ml/người/ngày. Khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị bệnh cũng không nên uống rượu. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính.
Gửi phản hồi
In bài viết