Đúng 8h ngày 22-8, Triển lãm trực tuyến với chủ đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại” chính thức ra mắt công chúng tại trang web: “trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn”, với 3 tiểu chủ đề: “Từ nhân dân mà ra”; “Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam” và “Di sản của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Trên nền đỏ trầm ấm và nổi bật, những dòng thông tin ấn tượng lồng ghép qua bức chân dung thời trẻ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn dắt người xem vào câu chuyện cuộc đời binh nghiệp của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, qua đó làm nổi bật những đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ông Lê Quang Hưng (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cho biết: “Tôi rất ấn tượng với việc khai thác thế mạnh công nghệ cũng như cách chọn lựa mạch thông tin hiệu quả để dẫn dắt người xem vào câu chuyện mà triển lãm muốn kể; qua đó khắc họa chân thực, sâu sắc chân dung vị tướng “từ nhân dân mà ra”, đến khi trở thành “một trong những thống soái lớn của mọi thời đại”“.
Một bức ảnh tư liệu quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được trưng bày tại Triển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại”.
Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khởi đầu từ năm 1944, với sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Trải qua từng trận đánh, từng chiến dịch, đội quân đó dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ dần trưởng thành vượt bậc, giành được nhiều thắng lợi quan trọng; trong đó phải kể đến chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, sự kiện thúc đẩy sự ra đời của Hiệp định Giơnevơ năm 1954.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, từ sau hiệp định này, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam - Nhà và Hầm D67 thuộc Khu di sản Hoàng thành Thăng Long tiếp tục chỉ đạo các tư lệnh trên các mặt trận tổ chức chiến đấu, đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Đây cũng là một trong những phần nội dung được đặc biệt nhấn mạnh trong triển lãm về Đại tướng với nhiều tư liệu, hình ảnh quý về vị tướng huyền thoại được lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, giúp nhân dân và du khách có thể tìm hiểu những ký ức lịch sử chân thực nhất tại căn phòng làm việc giản dị, đã gắn bó mật thiết với cuộc đời hoạt động của Đại tướng”, ông Nguyễn Thanh Quang cho hay.
Có thể kể đến những bức ảnh Đại tướng Võ Nguyễn Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi, nắm bắt từng bước diễn biến rất nhanh của các mặt trận, đưa ra những chỉ đạo kịp thời, phù hợp với các hướng tấn công cho các đơn vị, để đi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975; bức mật điện số 1574 của Đại tướng, lệnh cho các đơn vị “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến, quyết thắng”…
Bên cạnh đó là nhiều tư liệu, hình ảnh về không khí chiến đấu, những thời khắc làm nên lịch sử giải phóng nước nhà, như: Lửa phòng không của Hà Nội nhả vào quân thù năm 1972; các đơn vị tiến về giải phóng Sài Gòn, tháng 4-1975; xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cửa thép tiến vào Dinh độc lập ngày 30-4-1975; lễ thượng cờ chiến thắng ở Trường Sa; niềm vui của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng tại Sài Gòn sau ngày giải phóng… Tất cả góp phần một lần nữa khắc ghi những ký ức hào hùng của dân tộc Việt Nam qua hình ảnh vị Đại tướng của nhân dân, “Người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, tri ân những đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Triển lãm cũng góp phần khẳng định những ghi nhận của các nhà nghiên cứu lịch sử, bạn bè quốc tế về vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lịch sử nước nhà. Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự người Anh Peter Macdonald chia sẻ: “Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, Đại tướng là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy”.
Gửi phản hồi
In bài viết