Ngày Lương thực Thế giới năm nay với chủ đề "Không để ai bị bỏ lại phía sau. Sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn" là cơ hội để chia sẻ rộng rãi với cộng đồng về việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo cho tất cả người dân được cung cấp, tiếp cận đủ lương thực, đảm bảo dinh dưỡng, trong khi vẫn phải bảo vệ môi trường, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: "Đảm bảo tiếp cận bình đẳng đối với thực phẩm an toàn và đảm bảo dinh dưỡng là vấn đề quan trọng trong phát triển bền vững, đặc biệt là đối với người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương, những người đang phải chịu nhiều khó khăn nhất do tình hình dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh và suy thoái kinh tế. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu".
Dự án "Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam" (VnSAT), do Ngân hàng Thế giới tài trợ, được thực hiện tại 13 tỉnh của Việt Nam từ năm 2015 đến 2022. Dự án đã đóng góp quan trọng vào việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp thông qua việc nâng cao năng lực thể chế của ngành nông nghiệp, đổi mới phương thức canh tác theo hướng bền vững, nâng cao chuỗi giá trị cho các ngành hàng lúa gạo và cà phê.
Bà Dina Umali-Deininger, Giám đốc phụ trách Nông nghiệp khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới cho biết: "Dự án VnSAT không chỉ giúp nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập cho nông dân, giảm ô nhiễm môi trường mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, lên tới hơn 1,5 triệu tấn CO2 từ trồng lúa hàng năm. Mô hình thành công này có thể là bàn đạp để nhân rộng ra các vùng khác trên cả nước, khi Bộ NN&PTNT đang thực hiện chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam".
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam phát biểu: "Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng thông qua hợp tác và chia sẻ cùng nhau, Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng hiệu quả, bao trùm, có khả năng chống chịu tốt và bền vững hơn, nhằm mục tiêu sản xuất, dinh dưỡng, môi trường và cuộc sống tốt hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau".
Gửi phản hồi
In bài viết