Bệnh nhân đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam đã xuất viện sau 3 tuần điều trị và có kết quả xét nghiệm âm tính.
Ảnh: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cung cấp
Sáng 20-10, Sở Y tế TP.HCM cho biết thành phố vừa phát hiện ca đậu mùa khỉ thứ hai. Đây cũng là ca đậu mùa khỉ thứ hai của cả nước cho đến lúc này, ca đầu tiên được báo cáo ngày 3-10.
Trường hợp mắc đậu mùa khỉ thứ hai này là một phụ nữ 38 tuổi, thường trú tại tỉnh Tuyên Quang, đi du lịch tại Dubai trong khoảng thời gian từ ngày 29-9 đến 18-10.
Bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ từ ngày 11-10 với sốt kèm mệt mỏi, buồn nôn và xuất hiện các mụn mủ rải rác trên cơ thể.
Người này khởi phát sốt ngày 18-10, có nổi mụn nước nhưng khi về đến Việt Nam (nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) được kiểm dịch y tế rà soát phát hiện.
Tiến hành khai thác thông tin dịch tễ, các nhân viên y tế nghi ngờ và sau đó chuyển người này về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM làm xét nghiệm Realtime PCR. Kết quả ban đầu cho thấy bệnh nhân dương tính với đậu mùa khỉ.
Sở Y tế TP cho biết thêm, người bệnh này và người bệnh mắc đậu mùa khỉ đầu tiên (nay đã khỏi bệnh) đã có thời gian ở cùng nhà và sinh hoạt chung. Và khi biết người bạn có các triệu chứng tương tự, người mắc đậu mùa khỉ đầu tiên đã kịp thời thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) biết để hỗ trợ cách ly, chẩn đoán và điều trị.
Sau khi nhận được thông tin về hành khách trên chuyến bay nhập cảnh từ Dubai có yếu tố dịch tễ và triệu chứng nghi mắc đậu mùa khỉ, lực lượng kiểm dịch viên y tế (thuộc HCDC) tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp với đội y tế khẩn nguy sân bay tiếp cận ngay người bệnh ngay khi tàu bay vừa hạ cánh và đưa vào khu vực riêng để thực hiện khám sàng lọc và khai thác các yếu tố dịch tễ.
Khi xác định đủ yếu tố nghi mắc đậu mùa khỉ, HCDC đã phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 đưa người bệnh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để cách ly, xét nghiệm và điều trị, đồng thời thực hiện khử trùng tàu bay theo quy định.
HCDC đang tiếp tục điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần để hướng dẫn và kịp thời xử lý, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan mầm bệnh.
Gửi phản hồi
In bài viết