Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dự và chủ trì Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Trong hơn 10 năm qua, thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 4 lần, đưa Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN (kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 172 tỷ USD; 9 tháng năm 2024 đạt gần 150 tỷ USD, tăng 22%, nếu tính cả tiểu ngạch thì con số này còn cao hơn).
Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 7 lần, trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6/148 của Việt Nam. Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới ở Việt Nam trong 2 năm vừa qua.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận là các dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc còn chưa xứng tầm với quan hệ đối tác giữa hai nước; với tiềm năng của các doanh nghiệp Trung Quốc; với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và đặc biệt là vai trò, vị thế và quy mô của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Phát biểu ý kiến khai mạc tọa đàm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư là trụ cột trong quan hệ song phương, được hai nước mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ.
Hiện nay, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc tại khu vực ASEAN, Trung Quốc cũng đã trở thành đối tác lớn nhất về kinh tế, thương mại lớn nhất với Việt Nam. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng và mạnh mẽ này là minh chứng cho tiềm năng hợp tác to lớn của hai nước.
Tọa đàm này là sự kiện quan trọng mang tính kết nối và củng cố mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa quốc gia, hiện thực hoá nhận thức chung cấp cao của lãnh đạo hai Đảng và các thoả thuận giữa hai nước, thúc đẩy mạnh mẽ các trụ cột quan trọng về kinh tế, thương mại và đầu tư, từ đó góp phần nâng tầm quan hệ kinh tế trong kỷ nguyên mới, thúc đẩy sự phát triển bền vững và lâu dài cho cả hai nước, góp phần vào sự ổn định, thịnh vượng chung trong khu vực.
Quang cảnh Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc (Ảnh: TRẦN HẢI)
Với chủ đề “Tăng cường hợp tác cùng có lợi, chung tay kiến tạo tương lại”, tọa đàm tập trung trao đổi 4 nội dung cơ sở hạ tầng, năng lượng, kinh tế số, tài chính-ngân hàng. Đây đều là những lĩnh vực phù hợp định hướng phát triển của hai nước, là xu thế chung của toàn cầu. Tọa đàm này mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, giúp doanh nghiệp hai nước tận dụng tối đa tiềm năng của nhau, cùng thích ứng và phát triển.
Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt hoan nghênh và chào mừng, cảm ơn đồng chí Lý Cường, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành và các tập đoàn, doanh nghiệp tiêu biểu của Trung Quốc và Việt Nam tham dự tọa đàm này.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, với nỗ lực chung của hai bên, nhất là các chuyến thăm lịch sử của các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hai nước, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển ngày càng sâu sắc, thực chất, hiệu quả và toàn diện hơn.
Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đã thống nhất nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược (tháng 12/2023).
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các doanh nghiệp hai nước dự tọa đàm này với tinh thần tình cảm chân thành, mong muốn hợp tác hiệu quả, khát vọng đưa hai nước phát triển nhanh, bền vững; mong các bạn đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm phải có hiệu quả, "cân, đong, đo, đếm" được.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc - là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Việc hợp tác phát triển kinh tế bền vững là một trong những yếu tố then chốt để thắt chặt thêm tình đoàn kết hai nước anh em và quan hệ hai nước láng giềng gần gũi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Hai bên vui mừng nhận thấy rõ, thời gian qua, nền tảng xã hội trong quan hệ hợp tác hai nước tốt hơn, tin cậy lẫn nhau ngày càng cao hơn, dư luận của nhân dân hai nước về nhau ngày càng tích cực hơn. Việt Nam cảm nhận tình cảm của nhân dân hai nước ngày càng nồng ấm hơn. Điều này tạo điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại, doanh nghiệp hai nước thời gian qua.
Tuy nhiên, quan hệ kinh tế chưa tương xứng với tầm vóc của quan hệ chính trị-xã hội tốt đẹp giữa hai nước, nhất là những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của hai nước có thể bổ sung, hoàn thiện, bổ trợ nhau phát triển. Do vậy, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa kết nối hai nền kinh tế, mà một trong những trọng tâm là kết nối doanh nghiệp.
Để làm được điều này, Chính phủ hai nước cần phải thúc đẩy hơn nữa kết nối về thể chế; kết nối về hạ tầng chiến lược; kết nối về quản trị thông minh và chuyển giao công nghệ; kết nối về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; kết nối về vốn, tập trung vào các ngành nghề mới nổi; kết nối về thanh toán, nhất là hợp tác thanh toán bằng đồng bản tệ; kết nối chuyển giao công nghệ, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, Việt Nam đã góp phần đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trở thành điểm sáng và là một trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.
Thủ tướng đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của các doanh nghiệp Trung Quốc đối với phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam nói riêng và tổng thể quan hệ hai nước Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua nói chung.
Về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc: Với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết “3 bảo đảm”, “3 thông” và “3 cùng”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Lãnh đạo các bộ, ngành cùng các doanh nghiệp hai nước tham dự tọa đàm. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Theo đó, “3 bảo đảm” gồm: Bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là hợp phần quan trọng của kinh tế Việt Nam; khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để khu vực này phát triển lâu dài, ổn định, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác.
Bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, không hình sự các quan hệ kinh tế, dân sự.
Bảo đảm ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội; ổn định về chính sách đầu tư tích cực theo diễn biến tình hình, có lợi cho nhà đầu tư, cho sản xuất, kinh doanh; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, hoạt động lâu dài tại Việt Nam.
Nâng cao năng lực quản trị, thể chế, bảo đảm “3 thông”: Hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, quản trị thông minh để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, giảm công sức cho nhà đầu tư, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.
“Ba cùng” gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; Cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững; Cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào.
Thủ tướng mong muốn và đề nghị các doanh nghiệp hai nước tiếp tục đóng góp để hai nước đã gắn bó rồi thì gắn bó hơn nữa, đã đoàn kết rồi thì đoàn kết hơn nữa; đã tin cậy rồi thì tin cậy hơn nữa, đã hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn nữa, cùng thúc đẩy tăng trưởng, ủng hộ hai Chính phủ thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra.
Trong bối cảnh hiện nay, càng khó khăn thì hai nước càng phải đoàn kết, càng siết chặt tay nhau hỗ trợ nhau cùng tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.
Các doanh nghiệp tham dự tọa đàm. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp hai nước lấy kết nối làm trọng tâm để bứt phá, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực để vươn lên, góp phần giúp hai nước nâng tầm gắn kết kinh tế ngang tầm về địa lý, lịch sử và quan hệ chính trị-xã hội tốt đẹp hiện nay; góp phần đưa hai nước bay cao, bay xa trong kỷ nguyên kinh tế số, kỷ nguyên xanh, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển; đề nghị doanh nghiệp hai nước tích cực hợp tác, trao đổi để tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hai nước để tháo gỡ rào cản sản xuất, kinh doanh, thương mại, cải thiện môi trường đầu tư; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách...
Xây dựng và triển khai các dự án hợp tác cụ thể trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác song phương đã thiết lập như: Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, các sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Phát triển toàn cầu (GDI), An ninh toàn cầu (GSI) và Văn minh toàn cầu (GCI)... của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình mà Việt Nam đã ủng hộ; và các cơ chế hợp tác đa phương hai bên cùng tham gia (ASEAN-Trung Quốc); RCEP,...
Tiếp tục đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, kết nối chiến lược trên các lĩnh vực, trong đó có kết nối hạ tầng giao thông; đẩy mạnh hợp tác triển khai các dự án đường sắt kết nối Việt Nam-Trung Quốc; hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp đường sắt hiện đại, lâu dài, bền vững; phát triển của tuyến đường tàu điện ngầm.
Tăng cường hơn nữa đầu tư tại Việt Nam, nhất là các dự án lớn, tiêu biểu trong các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh về công nghệ cao, chuyển đổi số, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng hạ tầng giao thông, công nghiệp luyện kim, y tế, giáo dục, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, hệ sinh thái xe điện và pin tích điện…; chủ động đầu tư cho kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển giao công nghệ.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái phát biểu ý kiến tại tọa đàm. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Hỗ trợ, tạo điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc. Đề nghị các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục tạo thuận lợi cho tăng cường thương mại song phương; mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam.
Do vậy, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng doanh nghiệp hai nước sẽ gắn kết với nhau hơn nữa để xứng tầm với tầm vóc, ý nghĩa và tình cảm trong quan hệ hai đảng, hai nước, hai dân tộc Việt Nam-Trung Quốc.
Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng trên con đường phát triển tại Việt Nam.
Với sự hợp tác chặt chẽ của Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức của hai nước, chúng ta sẽ đạt được những thành công to lớn hơn nữa trong tương lai. Doanh nghiệp hai nước vươn tầm mạnh mẽ ra thế giới, cạnh tranh sòng phẳng với các nước lớn.
Nhân ngày 13/10 - Ngày Doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng chúc các doanh nghiệp, doanh nhân hai nước phát triển thịnh vượng ngang tầm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Về phần mình, Thủ tướng Lý Cường bày tỏ rất vui mừng được tham gia tọa đàm này; cảm thấy tâm đắc, được động viên, khuyến khích bởi bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính; nhất trí sự ủng hộ hai Chính phủ đối với doanh nghiệp hai nước.
Hợp tác kinh tế, thương mại luôn là điểm nhấn của hợp tác Trung-Việt, cũng là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước. Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Nhìn về tương lai, hợp tác kinh tế, thương mại hai nước vẫn còn nhiều dư địa để khai thác, nhiều tiềm năng để phát triển.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Giai đoạn tới, chúng ta có thể quan tâm 3 phương trọng điểm sau: Tiếp tục kết nối chiến lược phát triển hai nước: Hai nước có quan điểm phát triển như nhau, lợi ích chung rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên.
Chúng ta cần quan tâm kết nối liên thông hai nước: Hiện hai nước đang tích cực triển khai quy hoạch kết nối sáng kiến BRI, Hai con đường, một vành đai; tích cực kết nối hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cửa khẩu, bến cảng, đường hàng không; thúc đẩy đi lại, giao lưu nhân dân; tăng cường hợp tác điều phối chính sách phát triển công nghiệp. Điều này càng tạo động lực mạnh mẽ cho thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại.
Không ngừng củng cố, bổ sung thế mạnh cho nhau: Hai bên có thế mạnh đặc biệt của mình về tài nguyên, kết cấu ngành nghề, có nhu cầu bổ sung cho nhau lâu dài; hai bên đã triển khai mạnh mẽ hợp tác kỹ thuật, công nghệ; phối hợp phân công, thúc đẩy, cùng nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trung Quốc có thế mạnh về điện gió, điện mặt trời, xe điện đang phát triển hàng đầu thế giới, phù hợp nhu cầu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Việc hợp tác cùng có lợi sẽ xuất hiện trong các lĩnh vực này.
Hai nước ta có độ tin cậy chính trị cao, có mối tình hữu nghị nồng thắm mà nhiều nước không có. Chúng ta có niềm tin hợp tác tương lai về thương mại hai nước được tăng cường mạnh mẽ, do đó hai bên cần nắm chặt cơ hội, tăng cường hợp tác chặt chẽ, đóng góp cho sự phát triển chung.
Thủ tướng Lý Cường bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước không ngừng quan tâm các chính sách quan trọng, chủ động hơn để hoà nhập sự phát triển quốc gia, các kết nối chiến lược; tận dụng tốt các thoả thuận song phương và đa phương; huy động các nguồn lực. Thúc đẩy phát triển hài hoà các ngành công nghiệp xuất phát từ đặc điểm của doanh nghiệp mình; tìm kiếm các đối tác hợp tác trong chuỗi giá trị.
Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng xuyên biên giới; tập trung sức lực, nâng cao sức sáng tạo, tập trung phát triển lĩnh vực năng lượng sạch, tin rằng hợp tác kinh tế, thương mại hai nước sẽ giành được kết quả to lớn.
Gửi phản hồi
In bài viết