Hòa theo dòng chảy thương mại của thời đại, bánh Trung thu ngày nay liên tục xuất hiện nhiều loại khác nhau với đầy đủ hình dạng, màu sắc bắt mắt. Dẫu vậy vẫn luôn có nhiều người chỉ chuộng những gì thuộc về xưa cũ, đó là hương vị của bánh Trung thu cổ truyền.
Tháng 9 mùa thu, tìm đến tiệm bánh Trung thu cổ truyền Đức Bình, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) thật khó để cưỡng lại thứ hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ những chiếc bánh nướng mới ra lò cũng như sự hấp dẫn đặc biệt của thứ âm thanh lộp cộp, gõ gõ của các khuôn gỗ làm bánh khi va vào nhau.
Tiệm bánh Trung thu Đức Bình của ông Bùi Văn Thành và bà Nguyễn Kim Dung có từ đời cụ nội để lại. Ông Thành cũng không nhớ nổi và cũng khó cắt nghĩa được tại sao nhà mình lại có mấy đời theo nghề này. Bố mẹ ông và ngay cả vợ chồng ông, rồi các con cũng từng đi làm rất nhiều nghề khác, nhưng cuối cùng lại trở về với nghề của cha ông.
“Bánh Trung thu truyền thống có 2 nhân cổ truyền chủ đạo là thập cẩm và đậu xanh. Mẫu bánh cũng chủ yếu là hình vuông và hình tròn. Cách gói bánh ngày xưa không có bao bì đẹp, bắt mắt như bây giờ. Ngày trước bánh đến tay người mua khi mới ra lò, vẫn còn nóng hổi và 4 cái được gói trong một tờ báo rồi lấy dây đai buộc lại. Bây giờ, nếu khách thích ăn bánh nóng thì tôi vẫn gói như vậy, còn khách lấy làm quà biếu, tặng thì có nhiều mẫu bao bì đẹp hơn ” – ông Thành chia sẻ.
Ngôi nhà cũng chính là cửa hàng kiêm xưởng bánh Trung thu cổ truyền Đức Bình của gia đình ông Bùi Văn Thành những ngày này nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Bởi những khách hàng quen tấp nập ghé mua dù không có biển quảng cáo hay bảng chỉ dẫn nổi bật, bắt mắt.
Theo ông Thành, để có được chiếc bánh ngon, thì người làm bánh phải dày dặn kinh nghiệm. Từ khâu làm vỏ bánh đến làm nhân đều rất công phu. Để tạo được vỏ bánh mềm, có độ xốp vừa phải, không bị cứng, khô, phải đun sôi nước đường rồi để nguội, sau đó cho trứng, sữa, nước đường để nguội khuấy tan, lúc này mới cho bột mỳ vào đánh tới khi đôi tay cảm nhận được bột mịn mới thôi. Sau khi tạo được lớp bột làm vỏ bánh, ông dùng cân để chia các phần bột chuẩn trọng lượng.
Tạo được vỏ bánh đã cầu kỳ, làm nhân bánh lại càng công phu. Bà Dung, vợ ông Thành kể sơ qua tới cả chục nguyên liệu để tạo thành nhân bánh, trong đó thành phần không thể thiếu là mỡ lợn, xá xíu, hạt bí, hạt dưa, hạt vừng, lá chanh… Các thành phần nhân bánh được thái nhỏ, trộn đều, thêm chút nước đường đun sôi để nguội đến khi chúng quyện vào nhau.
Đối với thức quà tháng 8 này, việc chuẩn bị nguyên liệu vô cùng quan trọng nên vợ chồng ông luôn tự mình làm ra hết. Ông được ông nội rồi cha mình truyền dạy cách lựa chọn thực phẩm để làm bánh.
“Mỗi đợt làm nhân bánh, tôi cất công đi tìm cho bằng được con lợn ngon trên bản để lấy mỡ làm nhân, chứ các loại lợn khác dứt khoát tôi không nhập. Lợn ngon sẽ cho mỡ thơm, khi làm mứt ăn rất giòn và ngậy chứ không sực nức cái mùi công nghiệp như lợn nuôi cám tăng trọng. Các nguyên liệu khác cũng toàn hàng loại A - là loại ngon nhất. Vì thế khi ăn miếng bánh nướng nhân thập cẩm của tiệm nhà tôi khác hẳn với những chiếc bánh thương mại ngoài kia” – ông Thành tâm sự.
Tiệm bánh Trung thu Đức Bình chỉ sản xuất duy nhất 2 loại bánh là bánh nướng và bánh dẻo, có nhân thập cẩm và nhân đậu xanh. Mỗi chiếc bánh có giá từ 50 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/chiếc tùy trọng lượng.
Ngày nay, bánh Trung thu đã có muôn hình, muôn vẻ, với nhiều sáng tạo để phù hợp với nhịp sống hiện đại. Thế nhưng, chiếc bánh nướng, bánh dẻo mang đậm hương vị truyền thống của tiệm bánh Đức Bình vẫn có một vị trí rất riêng biệt trong lòng mỗi người mua.
Minh chứng là chị Ma Thị Thủy, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) cho biết, nhà chị ăn bánh ở đây cũng mấy đời nay rồi. Cả nhà ai cũng “nghiện” bánh Trung thu Đức Bình. Mẹ chồng chị năm nay đã 93 tuổi mà vẫn dặn chị qua đây mua bánh về thắp hương.
Còn chị Phùng Thị Phượng ở Hà Đông (Hà Nội) – một khách mua hàng chia sẻ: “Từ năm 2018 tôi lên đây chơi Trung thu được bạn bè dẫn qua đây ăn bánh nóng mới ra lò làm tôi nhớ mãi. Những năm sau, không lên được là tôi lại gọi điện mua hàng qua điện thoại nhờ chủ tiệm gửi xe khách về cho. Năm nay, có dịp về Tuyên Quang là tôi phải đến đây mua bánh về ăn và mang biếu. Các loại bánh hiện đại bây giờ đâu chả có, nhưng đây là dòng bánh cổ truyền lâu năm mà gia đình tôi vô cùng yêu thích, ăn rồi khó quên lắm. Năm nay tôi phải tranh thủ đến sớm để không phải chờ lâu”.
Ông Thành luôn tâm niệm rằng, phải luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Mọi người ăn thấy ngon sẽ truyền miệng nhau, rồi “một đồn mười, mười đồn một trăm” việc này đã giúp thương hiệu bánh tồn tại vững chắc đến tận bây giờ. Mặt khác, bây giờ thị trường bánh Trung thu rất đại trà, do đó ông bà muốn khẳng định được sự khác biệt trong lòng người tiêu dùng bằng chính cái tâm và cái tình của người làm bánh.
Gửi phản hồi
In bài viết