Đồng chí Tạ Đức Tuyên
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tuyên Quang
Huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu, 3 khâu đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đó, Đảng bộ thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại II, xây dựng và phát triển thành phố theo hướng đô thị loại I; phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, các dự án đầu tư ngoài ngân sách... Cùng với đó, triển khai quyết liệt các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước (thành phố sẽ hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng); quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế, đẩy mạnh các giải pháp phát triển du lịch, dịch vụ, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025...
Đồng chí Hoàng Anh Cương
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành Công Thương đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điều hành sản xuất, kinh doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đến hết năm 2024 đạt 23.730 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 14,71% so với năm 2023; Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 170 triệu USD, tăng 13,3% so với thực hiện năm 2023; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 35.000 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm 2024.
Các chỉ tiêu của ngành Công Thương đều đảm bảo khung tăng trưởng với điều kiện, bối cảnh của tỉnh. Trong năm 2024 một số dự án công nghiệp mới, có giá trị kinh tế cao đi vào sản xuất như: Dự án đầu tư sản xuất kinh doanh các loại bao bì PP Container Khu Công nghiệp Sơn Nam của Công ty TNHH Sung Lim ViNa; Dự án Nhà máy sản xuất ván sàn tại Cụm công nghiệp Thắng Quân huyện Yên Sơn của nhà đầu tư Future Ghi Singapore; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giấy Tissue của Công ty cổ phần Hồng Phát Tuyên Quang... Đặc biệt trong nhiệm kỳ, tỉnh Tuyên Quang có 4 sản phẩm mang Thương hiệu Quốc gia gồm có Ván sàn Woodsland và đồ gỗ nội, ngoại thất Woodsland của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang (năm 2024), sản phẩm Giấy và Bột giấy An Hòa của công ty Cổ phần giấy An Hòa (năm 2022).
Với những kết quả đạt được, ngành Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ được giao nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành và phấn đấu hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Đồng chí Nguyễn Việt Lâm
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải
Ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông
Trong nhiệm kỳ, ngành giao thông vận tải đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố huy động, tập trung, ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư, tháo gỡ “điểm nghẽn”. Đến nay, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh đang từng bước chuyển từ “Êm thuận, thông suốt” thành “An toàn, thuận lợi và kết nối nhanh”. Nhiều dự án lớn được khởi công hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả; 100% đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa; sẽ hoàn thành mục tiêu 100% số thôn, bản trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm trong năm 2025; bê tông hóa trên 3.158 km đường bê tông nông thôn; đường nội đồng trên 1.075 km; đầu tư xây dựng 161/200 cầu trên đường giao thông nông thôn, còn lại 39 cầu sẽ đầu tư trong năm 2025, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đầu tư 200 cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.
Việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối liên vùng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mở ra không gian phát triển mới, thu hút đầu tư, góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền,
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp
Nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, huyện Sơn Dương đã tăng cường thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn huyện, đồng thời tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở và các hạng mục, tiêu chí theo Đề án xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 và duy trì, giữ vững các tiêu chí về nông thôn mới đã đạt được.
Huyện cũng tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với chuyển đổi số và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch của huyện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, xử lý nghiêm các hành vi đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, các hành vi gây sách nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đảm bảo chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ…
Đồng chí Trương Thế Hùng
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang
Dấu ấn thu ngân sách
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định thu ngân sách nhà nước là một trong 15 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020 - 2025; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tài chính là giải pháp chủ yếu để tập trung thực hiện các khâu đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện Nghị quyết, ngày 8-6-2021, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có Quyết định số 368/QĐ-UBND ban hành Đề án phát triển nguồn thu và tăng cường quản lý ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, mục tiêu thu ngân sách ngành thuế phấn đấu thực hiện đến năm 2025 đạt trên 5.000 tỷ đồng.
Đến hết năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện đạt trên 4.000 tỷ đồng, hoàn thành trước một năm mục tiêu nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Cục Thuế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra; thực hiện tốt các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế;… Ngành Thuế cam kết tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, với phương châm lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ, nỗ lực cải cách hiện đại hóa công tác quản lý thuế để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác thu ngân sách, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Đại Thành
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Quyết tâm “vượt bão” về đích
Năm 2024 là năm ngành Nông nghiệp phải đối mặt với thách thức vô cùng lớn, thiên tai chưa từng có trong lịch sử nhiều năm trở lại đây, gây thiệt hại nặng trong sản xuất.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trọng tâm cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện thu hút nhiều hơn doanh nghiệp, các hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh sản xuất nhất là hai nhóm sản phẩm lớn là lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân và xuất khẩu. Ước tính giá trị sản xuất ngành năm đạt 4,8%.
Ngoài các sản phẩm xuất khẩu truyền thống như chè, gỗ rừng trồng, lần đầu tiên 7 sản phẩm OCOP của tỉnh đã xuất khẩu qua đường chính ngạch vào thị trường châu Âu. Cũng lần đầu tiên rừng trồng của Tuyên Quang đã chính thức được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu cho rừng Tuyên Quang. Đây là bước tiến lớn để nâng cao giá trị rừng trồng, phục vụ xuất khẩu. Hết năm 2024, toàn tỉnh có 85 xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó có 23 xã hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Với những kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Gửi phản hồi
In bài viết