Theo đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao phối hợp, hỗ trợ tỉnh và các tổ chức, cá nhân thương lượng, mua lại Ấn "Hoàng đế chi bảo" để đưa về nước. Cụ thể là cho phép tỉnh huy động nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ bảo tồn di sản Huế để thương lượng, mua lại Ấn "Hoàng đế chi bảo” hoặc cho phép vận động Mạnh thường quân là tổ chức, cá nhân yêu di sản thương lượng, mua lại Ấn "Hoàng đế chi bảo" để đưa về nước, góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản quốc gia.
Cổ vật Ấn "Hoàng đế chi bảo" của Vua Minh Mạng.
Cũng theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, trước đó, đơn vị đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cho phép tỉnh Thừa Thiên - Huế được huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ Bảo tồn Di sản Huế, và trước mắt cho phép sử dụng nguồn lực này trong việc thương lượng với Nhà đấu giá Millon (Cộng hòa Pháp), nhằm kịp thời thương lượng, mua lại và hồi hương chiếc Ấn "Hoàng đế chi bảo".
Ấn "Hoàng đế chi bảo" được Vua Minh Mạng hạ lệnh đúc năm 1823, với chức năng đặc biệt quan trọng, gắn liền với các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn. Đây được xác định là chiếc ấn vàng lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn - một cổ vật mang ý nghĩa đặc biệt về một giai đoạn lịch sử của đất nước, đặc biệt là với Thừa Thiên - Huế, kinh đô của vương triều Nguyễn. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải, trong khi việc bố trí ngân sách Nhà nước để mua lại ấn "Hoàng đế chi bảo" lúc này là việc khó khả thi, thì Quỹ bảo tồn di sản Huế vừa được Chính phủ cho phép thành lập, lại có cơ chế hoạt động linh hoạt, hiệu quả rất cao trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cho công cuộc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản cố đô Huế.
Gửi phản hồi
In bài viết