Bài 1: “Mạng lưới” thu mua công khai nhưng khó phát hiện
Đi vào các thôn, bản tại một số xã trên địa bàn các huyện Yên Sơn, Hàm Yên, Sơn Dương, Chiêm Hóa… sẽ dễ dàng bắt gặp được những tờ rơi quảng cáo, dòng chữ quảng cáo với nội dung: “Thu mua lợn ốm”, “Thu mua lợn sự cố” và có kèm cả số điện thoại để liên hệ. Dường như những thông tin này đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người mặc dù ai cũng biết hành vi thu mua, tiêu thụ lợn ốm là vi phạm pháp luật, thế nhưng tình trạng mua bán này vẫn diễn ra.
Quảng cáo tràn lan, công khai
Những tờ rơi có nội dung trên được chuyền tay đến người chăn nuôi trên địa bàn một số xã của huyện Yên Sơn. |
Chúng tôi theo chân anh Trịnh Công Sơn, Trưởng Công an xã Trung Sơn (Yên Sơn) cùng tổ công tác đi kiểm tra và xóa bỏ, bóc gỡ tờ rơi, dòng quảng cáo “Thu mua lợn ốm, lợn sự cố”. Tại một số con đường dẫn vào thôn Đức Uy, Đồng Mộc… những khoảng tường trống, cột điện đều xuất hiện quảng cáo với nội dung này. Anh Sơn chia sẻ: “Chúng tôi đã nhiều lần thực hiện xóa, bóc gỡ, tuy nhiên sau một thời gian các quảng cáo này lại được dán lại, viết lại”.
Trên các con ngõ nhỏ tại thôn, xóm trên địa bàn các huyện Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Sơn Dương và TP Tuyên Quang… những tờ rơi quảng cáo “Thu mua lợn ốm, lợn sự cố” đều được dán công khai cả số điện thoại. Anh Sơn cho biết thêm, không những thế một số đối tượng còn in tờ rơi với đủ các kích cỡ lén lút phát trực tiếp cho người dân hoặc đi xe máy, ô tô để rải xuống đường. Anh Lý Văn Thanh, trưởng thôn Hòn Lau, xã Thắng Quân (Yên Sơn) bức xúc cho biết, hầu như các tường rào trong thôn đều bị các đối tượng lấy vôi, sơn viết những dòng chữ: “Thu mua lợn ốm giá siêu cạnh tranh”, “Thu mua lợn ốm ưu đãi cao”… Những dòng chữ rất phản cảm, mất thẩm mỹ, đích thân các cán bộ thôn phải đi xóa bỏ”.
Tại thị trấn Vĩnh Lộc, các xã Phúc Thịnh, Hòa Phú… (Chiêm Hóa) những mẩu quảng cáo, rao vặt đó ngang nhiên “mọc lên” hai bên bờ tường hoặc những mẩu tờ rơi nhỏ rải trên đường đi.
Các đối tượng không chỉ đi đến tận các ngõ ngách, hộ gia đình để quảng cáo mà còn ngang nhiên đăng tải trên mạng xã hội. Nếu vào phần tìm kiếm ở facebook, gõ từ khóa “Thu mua lợn ốm ở Tuyên Quang” thì sẽ ra hàng loạt bài viết, thông tin quảng cáo kèm số điện thoại liên lạc.
Thành viên Tổ kiểm soát cơ động của xã Trung Sơn (Yên Sơn) xóa bỏ thông tin quảng cáo thu mua lợn ốm.
Nhưng khó phát hiện và xử lý
Trong vai một người có lợn ốm muốn bán, chúng tôi gọi điện theo số điện thoại ghi trong tờ rơi mà các đối tượng rải tại các thôn, xóm.
- Alo! Anh ơi gia đình em có lợn ốm muốn bán, em gọi theo số điện thoại trên tờ rơi.
- Em ở đâu?
- Em ở Phúc Ninh (Yên Sơn) ạ?
- Em chụp hình lợn gửi qua zalo và có người của anh ở gần đó sẽ liên lạc với em.
- Nhưng anh ơi! Em dùng điện thoại đen trắng, không gửi được ảnh đâu ạ.
- Được rồi, sẽ có người gọi điện để đến xem trực tiếp.
Và chỉ một vài phút sau một số điện thoại khác gọi đến và đưa ra với mức giá là: “50 nghìn đồng/kg nếu lợn ốm nhưng còn đứng được, còn lợn sắp chết hoặc chết sẽ có giá rẻ hơn”. Người đàn ông liên tiếp gọi hỏi chúng tôi nhà ở thôn nào để anh ta trực tiếp đến thu mua luôn. Trong quá trình trao đổi chúng tôi nhận thấy các đối tượng săn đón người mua một cách nhiệt tình. Tuy nhiên khi hẹn gặp đối tượng lại tỏ ra thận trọng với hàng loạt câu hỏi như: “nhà ở đâu”, “Nhà ở đấy, anh đi đấy suốt sao không biết nhà em nhỉ?”, “Nhà em cạnh nhà ai?”, “Em có biết mấy người bạn của anh ở gần đó tên là… không?”. Cùng với đó là nhiều mánh khóe khác nên việc để phóng viên tiếp cận trực tiếp là rất khó.
Trao đổi vấn đề này với các cơ quan chức năng đều xác định rằng các đối tượng này hoạt động có chân rết, chỉ làm việc với người quen. Khi có người cần bán thì các đối tượng liên hệ với chân rết ở cơ sở để xác minh rồi mới cho người đến để thu mua. Còn khi lực lượng chức năng gọi theo số điện thoại theo tờ rơi, quảng cáo, các đối tượng đều trả lời là không hiểu ai gắn số điện thoại mình vào đó, phủ nhận sự liên quan.
Trung tá Nguyễn Thanh Tùng, Đội Trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế - Ma túy, Công an Yên Sơn chia sẻ: “Tình trạng này chúng tôi rất kiên quyết để truy vết xử lý các đối tượng. Tuy nhiên các đối tượng hoạt động khá tinh vi với nhiều chiêu trò, khi phát hiện có dấu hiệu không an toàn thì lập tức rút lui. Nhiều năm qua chưa bắt được đối tượng thu mua nào để xử lý. Chủ yếu chỉ xử lý các đối tượng dán tờ rơi, viết quảng cáo nội dung thu mua lợn ốm với mức phạt hành chính 300 - 350 nghìn đồng”.
Hiện trường xe tải chở 660 kg lợn chết do ông Trần Văn Thuật, xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương
(Vĩnh Phúc) điều khiển bị Công an bắt giữ.
Còn tại địa phương, chính quyền các xã cũng tích cực vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này. Tại Minh Hương (Hàm Yên), dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ cuối năm 2020 và dịch trở lại trong 1 tháng gần đây. Thấy rõ thị trường tiềm năng, các đối tượng đi xe máy rải tờ rơi dày đặc khắp các thôn, bản. Ông Triệu Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Minh Hương chia sẻ: “Chúng tôi rất bức xúc, trong các cuộc họp giao ban, xã đều chỉ đạo quyết liệt, giải quyết dứt điểm tình trạng này. Bên cạnh thu gom, tẩy xóa các mẫu tờ rơi, quảng cáo thì chính quyền cũng chỉ đạo lực lượng công an xã vào cuộc để tiếp cận các đối tượng thu mua. Tuy nhiên khi gọi điện liên lạc thì đa số không nhấc máy hoặc nhấc máy thì cắt cử người đến thăm dò, thủ đoạn tinh vi rất khó để bắt quả tang lúc thu mua, vận chuyển lợn ốm”.
Bên cạnh đó, theo các cơ quan chức năng thì việc mua bán này chỉ diễn ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các đối tượng đánh vào lòng tham của một số hộ dân “vớt vát lại được bao nhiêu thì vớt”. Với mức giá 200 - 500 nghìn đồng/con lợn chết hay giá 30 - 40 nghìn đồng/kg lợn ốm thì nhiều hộ dân sẵn sàng liên hệ để bán. Anh Lý Văn Thanh, trưởng thôn Hòn Lau, xã Thắng Quân (Yên Sơn) chia sẻ, thực tế thì chỉ khi người dân báo với cán bộ thôn là lợn ốm thì cán bộ mới biết, còn nếu họ âm thầm liên hệ để bán lợn ốm thì cán bộ thôn không thể biết được. Hơn nữa việc mua bán chỉ diễn ra trong đêm, hoặc khi lợn chết các hộ dân làm thịt sẵn để tránh phân hủy thì việc phát hiện rất khó.
Thêm nữa, theo Thông tư 25 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định vận chuyển động vật trên cạn, cần cấp giấy kiểm dịch khi ra khỏi địa bàn ngoại tỉnh. Còn khi vận chuyện động vật trên cạn trong nội tỉnh thì chưa có quy định nào yêu cầu giấy kiểm dịch. Do đó, khi lực lượng chức năng nhận được nguồn tin quần chúng báo có đối tượng vận chuyển lợn ốm thì cũng rất khó xử lý. Theo ông Đào Lương Nhân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường chia sẻ, khi kiểm tra xe phát hiện có chở lợn ốm, lợn chết các đối tượng có thể khai do thời tiết nóng, trong quá trình vận chuyển lợn chết hoặc xin về làm thức ăn chăn nuôi cho cá. Vì theo quy định không cần giấy kiểm dịch nên việc xử phạt là khó khăn.
Trên thực tế hiện có hai chốt kiểm dịch thuộc địa bàn xã Đội Bình (TP Tuyên Quang) và Sơn Nam (Sơn Dương) được phép yêu cầu chủ xe xuất trình giấy kiểm dịch khi vận chuyển ra ngoại tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, Phòng Cảnh sát Giao thông, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh phối hợp Chi Cục Quản lý thị trường phát hiện được hai vụ việc vận chuyển lợn ốm, lợn chết. Trong đó một vụ vận chuyển 605 kg và 1 vụ vận chuyển 901 kg. Các đối tượng vận chuyển sinh sống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Qua quá trình đấu tranh khai thác, các đối tượng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hành vi vận chuyển lợn ốm, lợn chết 10 triệu đồng/1 đối tượng và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn.
Rõ ràng với đường dây mua bán nhiều như hiện nay thì việc bắt giữ này cũng chỉ “muối bỏ bể”. Do đó để phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi mua bán lợn ốm, lợn chết cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cùng với ý thức của người dân.
Bài, ảnh: Giang Lam
Gửi phản hồi
In bài viết