Tháo gỡ khó khăn, giải quyết việc làm cho người lao động

- Giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng gắn với phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Để đạt được mục tiêu đó, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như tập trung hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp, cập nhật biến động cung-cầu của thị trường, tổ chức giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động...

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, bởi vậy nhiều lao động đã phải nghỉ không lương hoặc luân phiên làm việc. Các lao động tự do cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, đến hết tháng 8-2021, có 4.621 người lao động gửi hồ sơ đề nghị được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Cùng với việc tiếp nhận hồ sơ, Trung tâm đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho 100% người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm cũng thường xuyên đăng tải thông tin tuyển dụng lao động trên Website, Fanpage, kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để giới thiệu việc làm phù hợp cho người lao động. Đến nay, có gần 300 lượt thông tin tuyển dụng được đăng tải, toàn tỉnh có 10.301 lao động được giới thiệu việc làm và tư vấn học nghề.

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.

Là lao động không may bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh, chị Đặng Thị Hương, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) đã từng phải di chuyển nhiều nơi để tìm kiếm công việc phù hợp. Chị chia sẻ, với mong muốn sớm được đi làm để ổn định cuộc sống chị đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để được tư vấn và giới thiệu công việc phù hợp. Đến nay, đã hơn 2 tháng chị làm việc tại công ty điện tử ở Thái Nguyên với mức thu nhập trung bình 7 triệu đồng/tháng. Chị hy vọng, dịch bệnh nhanh qua để người lao động bớt đi khó khăn và vất vả.

Công tác đào tạo nghề cũng là một trong những yếu tố quan trọng mở ra cơ hội cho người lao động có việc làm ổn định. Thời gian qua, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều đổi mới bám sát với nhu cầu xã hội và định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương. Có thể kể đến như các mô hình đào tạo nghề lưu động cho lao động nông thôn tại huyện Yên Sơn; đào tạo nghề liên kết với các doanh nghiệp huyện Sơn Dương; Chiêm Hóa tổ chức dạy nghề theo nhu cầu gắn với lợi thế, tiềm năng của từng xã...

Đồng chí Lý Thị Hải Hiền, Trưởng phòng Lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, đến hết tháng 8-2021, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho trên 17.200 lao động, đạt 82,1% kế hoạch. Trong đó có 11.909 lao động làm việc tại tỉnh, 5.079 lao động làm việc tại các công ty, khu công nghiệp trong nước, 252 người đi xuất khẩu lao động. Đặc biệt hơn 10.000 lao động của tỉnh đang làm việc tại Bắc Ninh và 2.000 lao động tại Bắc Giang sau một thời gian nghỉ phòng chống dịch cũng bắt đầu quay lại công ty ổn định làm việc. Thời gian tới, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giải quyết việc làm cho người lao động, ngành Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát, thu thập thông tin thị trường lao động; tăng cường giới thiệu việc làm, đẩy mạnh đào tạo nghề; xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn... 

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng với biện pháp cụ thể, tỉnh ta đã tạo nhiều việc làm cho người lao động để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục