Thúc đẩy giải quyết việc làm những tháng cuối năm

- Những tháng cuối năm 2022, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết việc làm, thúc đẩy thị trường lao động. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về lao động, việc làm; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương... Từ đó phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm cho 21.500 lao động trong năm 2022.

Nhờ các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế với nhiều hoạt động thương mại, du lịch, văn hóa sôi động, 9 tháng đầu năm 2022, thị trường lao động việc làm trên địa bàn tỉnh tiếp tục trên đà phục hồi. Đến nay đã có nhiều địa phương đạt và xấp xỉ đạt mục tiêu giải quyết việc làm như: huyện Chiêm Hóa với 3.648 lao động được tạo việc làm, đạt 111,6%; huyện Na Hang giải quyết việc làm cho 1.704 lao động, đạt 98,5%; thành phố Tuyên Quang có 3.211 lao động được tạo việc làm, đạt 97,9%... Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 19.574 lao động, đạt 91%.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Future Of Sound Vina, Khu công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).

Lao động địa phương cũng dễ dàng tìm kiếm việc làm tại các khu, cụm công nghiệp ngay trên địa bàn tỉnh như Cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn), Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương), Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang)... Hiện nay, việc mở rộng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, thu hút các nhà đầu tư tiếp tục được triển khai, qua đó đã góp phần thúc đẩy giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Chị Trần Thị Hoài Thương, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cho biết, sau khi được tư vấn, giới thiệu việc làm, chị đã lựa chọn nộp hồ sơ và làm việc tại Công ty cổ phần May Yên Sơn, xã Trung Môn (Yên Sơn). Không chỉ thuận tiện trong việc đi lại, ăn ở, sinh hoạt, chị cũng có điều kiện để trở về chăm sóc gia đình và con nhỏ hàng ngày.

Trước thực tế nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp trong nước đang nóng dần lên trong những tháng cuối năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tăng cường rà soát, kết nối thị trường lao động, tạo điều kiện cho lao động địa phương tìm kiếm việc làm phù hợp. Riêng trong quý III, trung tâm đã tư vấn việc làm cho gần 2.400 lao động, đăng tải 89 lượt thông tin tuyển dụng trên website vieclamtuyenquang.net. Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm cho biết, từ nay đến cuối năm, Trung tâm tham mưu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm tại thành phố và huyện Hàm Yên. Cùng với đó, tiếp tục tìm kiếm, kết nối thị trường lao động; phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến, tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động; tổ chức hội nghị tư vấn, tuyển dụng lao động tại các xã, thị trấn...

Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động cũng được các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh chú trọng tổ chức gắn với nhu cầu thực tế của xã hội. Tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ, một số ngành nghề mới đã được mở, công tác dạy và học được nâng cao chất lượng. Để nắm bắt nhu cầu người học và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT; tổ chức hội thảo về công tác đào tạo nghề tại nhà trường với sự tham gia của các doanh nghiệp; thực hiện liên kết, đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Qua đó đã giúp nâng tỷ lệ học viên học xong có việc làm ngay lên trên 80%.

Nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đào tạo nghề năm 2022, những tháng cuối năm ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy thị trường lao động. Cùng với đó, triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc làm được chuyển đổi nghề; thực hiện tốt chính sách cho vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất; bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để nâng cao thu nhập cũng như duy trì việc làm thường xuyên cho người lao động...

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục