Chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030

- Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS đã có thay đổi tích cực; sự kỳ thị, phân biệt của cộng đồng đối với người bị HIV/AIDS giảm rõ rệt. Hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS từng bước được xây dựng đồng bộ và khá toàn diện.

Công tác thông tin tuyên truyền được triển khai quyết liệt, nội dung và hình thức đa dạng, liên tục đổi mới. Số người nhiễm HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS giảm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn còn một số hạn chế thể hiện ở sự thiếu quyết liệt, thiếu đồng bộ trong phối hợp thực hiện của một số cấp ủy, chính quyền. Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, vận động ở một số nơi chưa thường xuyên, liên tục và hiệu quả; độ bao phủ của một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế.

Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW “Về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030”. Ban Bí thư xác định trong thời gian tới phải xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một nội dung trong chương trình, kế hoạch phát triển KTXH của mỗi địa phương, đơn vị; là một tiêu chí để đánh giá hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, đảng viên trong xây dựng tổ dân phố, thôn, bản, gia đình văn hóa.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS nhằm tác động hiệu quả tới mọi đối tượng, cộng đồng dân cư, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh thiếu niên và nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

Ban hành cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Nâng mức đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục triển khai chính sách trợ cấp xã hội cho trẻ em bị nhiễm HIV, người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Triển khai rộng rãi, linh hoạt và hiệu quả các giải pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường các biện pháp can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm HIV; Chủ động theo dõi, giám sát và dự báo kịp thời tình hình dịch HIV/AIDS. Đa dạng hóa dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, cộng đồng và tự xét nghiệm HIV. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS, mở rộng chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng. Bảo đảm nguồn nhân lực và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương.

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục