Nâng cao sức cạnh tranh và tính bền vững của sản phẩm OCOP

- Sau hơn hai năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 79 sản phẩm OCOP, trong đó có 17 sản phẩm đạt 4 sao và 62 sản phẩm đạt 3 sao. Kết quả này phản ánh sự nỗ lực của các huyện, Thành phố, các xã và người nông dân trong việc duy trì, phát triển các sản phẩm có tính thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới. Ý nghĩa hơn, những sản phẩm được gắn sao đã phản ánh khả năng tạo việc làm, tăng thu nhập ở nông thôn trong giai đoạn mới.

Sản phẩm OCOP là những sản phẩm tiêu biểu cho các vùng miền đảm bảo các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xếp hạng do Chính phủ quy định thuộc sáu nhóm sản phẩm gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược; vải may mặc; đồ lưu niệm; nội thất trang trí; dịch vụ du lịch. Để đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1048/QĐ - TTg ngày 21/8/2019 và Quyết định số 781/QĐ - TTg ngày 8/6/2020, Quy định chi tiết việc đánh giá phân hạng sản phẩm với ba phần: A: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức cạnh tranh và sức mạnh cộng đồng (35 điểm); B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm); C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (40 điểm).

Qua những tiêu chí trên cho thấy, để được gắn sao, mỗi sản phẩm phải có sự đầu tư, bên cạnh chất lượng thì khả năng tiếp thị và sức mạnh cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Trong thời gian qua nhiều sản phẩm đạt sao đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua mạng xã hội, tạo được sự thu hút, quan tâm của người dân, nhờ vậy đã từng bước tạo dựng, củng cố được uy tín, niềm tin đối với người tiêu dùng, có nhiều thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Được gắn sao chính là cơ hội để những sản phẩm bước vào thị trường. Tuy nhiên, để tạo nên sức sống bền vững cho các sản phẩm OCOP, nhất là ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rất cần có sự định hướng phát triển đồng bộ đối với các chủ thể và người dân tham gia.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thời gian qua trong quá trình phát triển các sản phẩm OCOP, vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là sức cạnh tranh của các sản phẩm chưa cao, chưa vươn mạnh ra thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu. Hầu hết các sản phẩm chủ yếu được sản xuất thủ công, có sản phẩm nhãn mác, bao bì đóng gói chưa được quan tâm, chưa tạo được sự hấp dẫn với người tiêu dùng.

Thế mạnh của các sản phẩm OCOP chính là đặc sản của mỗi địa phương, song các sản phẩm này còn thiếu sự liên kết với doanh nghiệp, thiếu sự đỡ đầu trong khâu tiêu thụ... Vì vậy nên sức cạnh tranh và tính bền vững của sản phẩm sau khi xếp hạng đòi hỏi phải được sự quan tâm của chính quyền, người dân, doanh nghiệp. Theo quy định, các sản phẩm OCOP được gắn từ 3 đến 5 sao có thời hạn trong 36 tháng. Trong thời hạn đó nếu không có sự phát triển bài bản, bền vững thì các sản phẩm có thể bị “rớt” sao, kèm theo đó là giảm sức cạnh tranh, giảm thu nhập cho những hộ dân tham gia sản phẩm, dịch vụ các sản phẩm OCOP.

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục