Các yêu cầu trên đã cho thấy sự kỹ lưỡng, thận trọng ngay từ khâu giới thiệu người ứng cử để cử tri có cơ sở chọn được những người xứng đáng nhất, đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực cao nhất ở Trung ương cũng như địa phương. Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cùng có một số nội dung mới so với nhiệm kỳ trước. Ngoài tiêu chuẩn chung, Hướng dẫn đã quy định chi tiết tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách. Trong đó, điểm mới là người giới thiệu để bầu đại biểu Quốc hội chuyên trách, phải có quy hoạch đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách. Cụ thể, người giới thiệu để bầu đại biểu Quốc hội chuyên trách phải có quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh Thứ trưởng và tương đương trở lên; ở địa phương phải là chức danh Giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh và tương đương. Về bố trí Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương sửa đổi: các lãnh đạo chủ chốt tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp ủy đề xuất và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, nếu trúng cử thì đảm nhiệm chức danh Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố, Tuy nhiên, cần theo nguyên tắc mỗi Thường trực cấp ủy cấp tỉnh nhìn chung không giữ quá 2 chức danh là lãnh đạo trong số các chức danh Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; các Ủy viên Trung ương Đảng được phân công làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố giữ không quá 3 chức danh trên. Về quy trình nhân sự hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: Với đảng viên, cán bộ công chức, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước, việc giới thiệu ứng cử phải thực hiện theo quy định; với những người ngoài Đảng thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với cơ quan chức năng liên quan xem xét kết luận về tiêu chuẩn chính trị và chịu trách nhiệm về kết luận của mình.
Các quy định mới tại các luật liên quan cũng tạo nên những điểm mới đáng chú ý trong công tác bầu cử lần này. Cụ thể, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội được giữ nguyên là 500 người, nhưng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách được Luật quy định tối thiểu 40% (tăng 5% so với trước). Do vậy, quy định này sẽ tác động đến công tác chuẩn bị bầu cử, từ công tác quy hoạch, lựa chọn những nhân sự, giới thiệu người ứng cử. Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định giảm từ 5 - 10% số đại biểu so với hiện nay. Như vậy trong công tác chuẩn bị nhân sự phải đảm bảo yêu cầu lấy chất lượng bù số lượng, phải lựa chọn được những ứng cử viên ưu tú, nhiệt huyết nhất để đảm bảo quyền đại diện của cử tri. Đồng thời, việc phát huy dân chủ tại cơ quan, đơn vị, tổ chức, khu dân cư lấy ý kiến về người được giới thiệu ứng cử cũng được đặc biệt nhấn mạnh, để có sự đánh giá chính xác, lựa chọn được các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn và xứng đáng nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết