Sáng tạo, đầu tư cho văn hóa

- Tỉnh ta đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”. Cách đây 80 năm, trong tình thế nước sôi lửa bỏng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã ra đời, được xem như bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng ta. Đề cương đã trở thành “kim chỉ nam” đưa đường dẫn lối cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong nhiều giai đoạn cách mạng.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Đảng ta đã kế thừa và phát huy sáng tạo những điểm cốt lõi của bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trong đó văn hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm mà còn hướng tới làm giàu bằng văn hóa, phát triển kinh tế trên cơ sở phát triển văn hóa, tức là các ngành công nghiệp văn hóa. 

Từ khi đổi mới, Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm, chú ý nghiên cứu vấn đề kinh tế trong văn hóa. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII (1998) đã nhấn mạnh tiềm năng kinh tế trong phát triển văn hóa, nhấn mạnh việc đẩy mạnh sáng tạo, tăng cơ hội tiếp cận của người dân với các sản phẩm văn hóa. 

Ở thời đại công nghiệp 4.0, mức độ sử dụng internet, số hóa cao của Việt Nam là một lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa bởi yếu tố khoa học công nghiệp và kỹ thuật số được xem là nền tảng của các ngành, như: quảng cáo, phần mềm và các trò chơi giải trí, kênh phát hành các sản phẩm nghe nhìn...

Công nghiệp văn hóa không phải là một phong trào nhất thời mà là một sản phẩm tất yếu của thời đại, một ngành kinh tế đặc biệt. Công nghiệp văn hóa tạo ra “sức mạnh mềm” cho các quốc gia. Trong khi công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn là một khái niệm, thì nhiều cường quốc đã khai mở đường đi riêng để phát huy sức mạnh văn hóa quốc gia dân tộc ở cả 3 vai trò: phát triển con người; đóng góp trực tiếp vào GDP; kiến tạo nền kinh tế bền vững không lệ thuộc tài nguyên; quảng bá văn hóa quốc gia, mở lối cho sản phẩm của các ngành kinh tế khác chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.

Với nhiều tiềm năng, công nghiệp văn hóa cần những đòn bẩy về nguồn vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ... để phát triển. Sự mới mẻ của công nghiệp văn hóa đương nhiên đòi hỏi Chính phủ và chính quyền các địa phương phải làm tốt vai trò kiến tạo thể chế, chính sách. Trước hết, cần phải đổi mới tư duy đề cao tính kinh tế trong phát triển văn hóa, đề cao tính sáng tạo bởi lâu nay các sản phẩm văn hóa chưa được xem là hàng hóa có tính sáng tạo cao vận hành theo cơ chế thị trường. 

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục